• Zalo

Thị trường nóng, môi giới nhà đất hồi sinh sau thời gian chết chìm vì COVID-19

Bất động sảnThứ Hai, 29/03/2021 06:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Anh Linh, một nhân viên môi giới bất động sản tại Đông Anh, Hà Nội gần đây không có thời gian nghỉ ngơi vì khách nườm nượp kéo đến, thu nhập cũng vì thế tăng rõ rệt.

Chỉ mới hơn 1 tháng trước, anh Linh vẫn còn thoải mái ngủ nướng đến 9h, 10h sáng. COVID-19 bùng phát khiến thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian dài, những nhân viên môi giới nhà đất như anh phần lớn rơi vào cảnh thất nghiệp, phải làm những nghề "tay trái" để kiếm thêm thu nhập.

Nhưng giờ đây, khi đất sốt nóng ở mọi nơi, mọi phân khúc thì cuộc sống và công việc của anh Linh bị xáo trộn, thậm chí anh cho biết còn bận hơn trước vì thị trường đang rất náo nhiệt, khách tìm đến ngày một đông.

Sở hữu một văn môi giới bất động sản tọa lạc ngay giữa thị trấn Đông Anh sầm uất với quy mô lên đến hàng chục nhân viên. Vào những ngày gần đây, anh Linh và những nhân viên của mình rất bận rộn với các công việc tư vấn, trả lời điện thoại, đăng tải thông tin, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ...

Thị trường nóng, môi giới nhà đất hồi sinh sau thời gian chết chìm vì COVID-19 - 1

Anh Linh (bên trái), đang dẫn khách hàng đi tham quan khu đấu giá Đài Bi Đông Anh (bên cạnh trường quay Cổ Loa). Khu đất này hiện có giá dao động 45-50tr/m2.

Chia sẻ với PV VTC News, anh Linh vui vẻ nói: “Thời điểm trước, mình có thể thoải mái ngủ nướng đến 9h, 10h sáng rồi mới đủng đỉnh đến văn phòng, cả ngày có khi cũng chẳng có khách liên hệ. Bây giờ thì có khi 6h sáng khách đã gọi dậy bắt dẫn đi xem đất. Rồi từ sáng đến tối lo tiếp khách, nghe điện thoại, mình thậm chí còn chả có thời gian thu xếp việc nhà".

Anh Linh lý giải, hoạt động mua bán đất tại Đông Anh đang nhộn nhịp hơn hẳn dạo trước. Sốt đất khiến khối lượng công việc, số lượng nhân viên tại văn phòng của anh Linh tăng lên. Đặc biệt là tiền lương của nhân viên cũng tăng lên nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. “Khác hẳn với thảm cảnh dịp COVID-19, chỉ trong tháng 3 này, lương của mỗi bạn nhân viên cũng được khoảng vài chục triệu đồng. Theo tôi, đây là mức thu nhập tương đối cao, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay”, anh Linh nói.

Thị trường nóng, môi giới nhà đất hồi sinh sau thời gian chết chìm vì COVID-19 - 2

Nhân viên tại văn phòng bất động sản của anh Linh làm không hết việc.

Nói về thực tế giá đất ở Đông Anh nói riêng và Hà Nội nói chung liên tục tăng, anh Linh nhận định: “Khách cứ ùn ùn kéo đến trong khi đất thì vẫn vậy, không “đẻ” thêm ra được mảnh nào. Đây là lý do khiến đất ở khu vực này càng ngày càng tăng giá”. 

Cơn sốt đất đang diễn ra rõ rệt ở nhiều vùng ven sông Hồng, phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Điều này khiến một bộ phận lớn đội ngũ "cò đất" hồi sinh sau một thời gian "chết chìm" vì COVID-19, thậm chí có thu nhập "dễ thở" hơn rất nhiều như những nhân viên tại văn phòng BĐS của anh Linh.

Hoàng Linh, quê ở Bắc Ninh, một nhân viên môi giới nhà đất cho biết, từ Tết Nguyên đán đến giờ, liên tục phải dẫn khách đến khu vực Láng Hòa Lạc để giao dịch đất nền. "Tuy bận nhưng vui vì thường xuyên chốt được hợp đồng. Rất hiếm khi khách dồn dập săn mua như hiện nay, nhất là giữa thời điểm COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được khống chế", Linh nói. 

Tuy giá đất tăng phi mã từng ngày khiến thị trường nóng hầm hập và dễ dàng hút khách song cũng khiến nhiều "cò đất" e ngại. "Giá đất liên tục tăng cao khiến người bán sợ bị bán “hớ” và cũng khiến người mua ngại xuống tiền. Do đó, nhân viên môi giới phải rất khéo léo, nắm bắt được tâm lý khách hàng cũng như người bán để thuyết phục hiệu quả. Thời điểm này khá nhạy cảm, vì thị trường gần như ở đỉnh, có thể chùng xuống bất cứ lúc nào. Nếu không nhanh tay chốt thì có thể bị mất khách. Lúc này, phải đánh nhanh, thắng gọn", chủ một văn phòng môi giới nhà đất ở Láng Hòa Lạc tâm sự.

Thị trường nóng, môi giới nhà đất hồi sinh sau thời gian chết chìm vì COVID-19 - 3

Sốt đất ở Đông Anh, nhà đầu tư kéo nhau đến tìm mua đất.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản lúc này đang có dấu hiệu sốt ảo, nhà đầu tư nên cẩn trọng, nhất là những người có ý định "lướt sóng". Đáng chú ý, phần lớn giao dịch mua bán đất đai thông qua văn phòng môi giới đều là giao dịch mua bán qua lại của các nhà đầu tư, vì vậy dễ có hiện tượng "thổi giá". 

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - từng cảnh báo, các dấu hiệu của sốt đất ảo bao gồm giá đất liên tục tăng gấp nhiều lần với lý do "sắp có cái này, sắp có cái kia; sắp có dự án này dự án kia..." và hầu hết các giao dịch đất đai đều là giao dịch mua bán, đầu tư sang tay qua lại. 

"Ở đâu có thể sinh lợi thì ở đó có cơ hội đầu tư. Nhưng các nhà đầu tư vẫn cần tỉnh táo, thận trọng. Cần xem lại những bài học về sốt đất ở Phú Quốc hay Vân Đồn, cần theo dõi các phân tích có chiều sâu của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia bất động sản và truyền thông", ông Đính nói.

Những câu chuyện "đổi đời" nhờ sốt đất với cả nhà đầu tư và những người kinh doanh trong nghề bất động sản vẫn sẽ còn tiếp diễn, khi những cơn sốt chưa có dấu hiệu dứt. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, theo đúng quy luật thì sốt đất ảo không thể kéo dài lâu. Khi nhà đầu tư nhận thấy thị trường lên đỉnh, họ sẽ cảnh giác hơn, thận trọng hơn. Lúc đó, đất sẽ trở về giá trị thực, không ít người bị cảnh báo sẽ "vỡ mộng" khi muốn phất lên nhanh chóng từ đất.

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn