• Zalo

Thầy giáo nổi tiếng sử Việt, từng khóc đến mù mắt vì thương mẹ là ai?

Hỏi - ĐápThứ Sáu, 01/11/2024 09:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Ông là thầy giáo, thầy thuốc, nhà thơ nổi tiếng của dân tộc, cũng là người con nổi tiếng có hiếu, khóc đến mù mắt vì thương mẹ.

Người được nhắc đến chính là thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu - một trí thức yêu nước nổi tiếng thế kỷ XIX.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), sinh ra trong gia đình nhà Nho nghèo ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận 1 TP.HCM.

Theo sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, vào năm 1833, Lê Văn Khôi nổi lên chống triều Nguyễn, chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu theo cha về Thừa Thiên tránh loạn và học tập. Năm 1841, ông về Gia Định, thi đỗ tú tài và được người nhà họ Võ hứa gả con gái cho. Bốn năm sau, ông quay lại Thừa Thiên học để chờ thi Hương, quyết chí đỗ cử nhân.

Trong lúc dùi mài kinh sử thì được tin mẹ mất ở Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu bỏ thi, theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ. Trên đường về, vì đường sá vất vả và thời tiết thất thường, lại do quá thương khóc mẹ nên đến Quảng Nam thì ông bị ốm nặng. May ông được một thầy thuốc vốn dòng dõi Ngự y chữa cho và cũng học được nghề thuốc. Thoát khỏi chết, nhưng mắt không chữa được. Lâm cảnh đui mù, cửa nhà sa sút, ông bị gia đình vị hôn thê bội ước.

Sau ba năm chịu tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học và bốc thuốc ở quê nhà Gia Định, học sinh đến rất đông. Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu được gọi là đồ Chiểu từ đó.

Tranh minh hoạ thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu dạy học của họa sĩ Đoàn Việt Tiến.

Tranh minh hoạ thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu dạy học của họa sĩ Đoàn Việt Tiến.

Theo cuốn Những người thầy trong sử Việt, đồ Chiểu được nhiều học trò quý mến vì tài năng, đức độ. Một môn sinh ở trường của ông vì lòng cảm mến, tác thành cho em gái cưới thầy giáo để có người nâng khăn sửa túi. 

Năm 1859, giặc Pháp tiến đánh Gia Định, rồi mở rộng xâm lược Nam Kỳ, ông cùng gia đình phải chạy về quê vợ ở Cần Giuộc để sinh sống. Tại đây, ông tiếp tục dạy học và bốc thuốc cứu người. 

Trong thời gian ở Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu tham gia bàn bạc công việc cứu nước với các bạn hữu như Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa, liên hệ mật thiết với Đốc binh Là - người chỉ huy anh dũng trong trận Cần Giuộc, tích cực giúp đỡ nghĩa quân. 

Năm 1867, sáu tỉnh Nam Kỳ bị giặc chiếm, Nguyễn Đình Chiểu không đi ra vùng tự do Bình Thuận được nên tiếp tục dạy học ở Bến Tre. Nhiều lần quan cai trị Pháp tìm cách mua chuộc ông, nhưng đều thất bại.

Không chỉ là nhà giáo, thầy thuốc, Nguyễn Đình Chiểu còn là nhà thơ - ngôi sao sáng của nền văn học nước nhà. Tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của ông chính là tác phẩm "Lục Vân Tiên".

Ngoài ra ông còn sáng tác một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước và tố cáo tội ác kẻ thù như: Chạy giặc, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc... Các tác phẩm cùng khí phách sáng ngời của ông được bạn bè quốc tế năm châu biết đến và mến mộ. 

Với những cống hiến và tầm ảnh hưởng rộng lớn, Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2021. Ông trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. 

Kim Nhã
Bình luận
vtcnews.vn