• 4
  • Zalo

Nhiều giáo viên áp lực, phải năn nỉ phụ huynh mua bảo hiểm y tế cho học sinh

Diễn đànThứ Năm, 31/10/2024 16:13:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) đề xuất bỏ quy định nhà trường, giáo viên thu hộ tiền mua bảo hiểm y tế cho học sinh.

Đề xuất trên được nêu tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, diễn ra chiều nay (31/10).

Góp ý cho dự luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) đề xuất, để thầy cô giáo chuyên tâm cho việc dạy học, ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá sửa đổi Điều 7b về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng bỏ quy định nhà trường, giáo viên thu hộ tiền để mua bảo hiểm y tế cho học sinh.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) phát biểu chiều 31/10.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) phát biểu chiều 31/10.

"Nhiều giáo viên chia sẻ thấy áp lực khi được giao thu tiền để mua bảo hiểm y tế hộ học sinh. Khi phụ huynh chậm đóng hoặc cố tình không đóng, giáo viên phải năn nỉ... việc này gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tâm trí dạy học", nữ đại biểu dẫn chứng. Nhiều phụ huynh không hiểu hết quy định về việc mua bảo hiểm y tế lại một mực cho rằng nhà trường, giáo viên bán thẻ bảo hiểm là có lãi hoặc có hoa hồng, điều này tác động xấu đến hình ảnh nhà giáo.

Chưa kể, nếu không đạt được chỉ tiêu đóng bảo hiểm y tế/học sinh, giáo viên sẽ bị ảnh hưởng đến đánh giá thi đua phân loại, khen thưởng năm học. Do đó, trách nhiệm này nên giao cho chính quyền địa phương, cơ quan bảo hiểm, "nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh và thực hiện phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc mua bảo hiểm y tế là bắt buộc".

Nữ đại biểu cũng cho rằng, cần nghiên cứu để lựa chọn hình thức đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp, có thể có phương án để học sinh được tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, trong đó vừa được nhà nước hỗ trợ đóng và được giảm trừ mức đóng theo thứ tự.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) cũng đề xuất cho phép học sinh được đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Đại biểu này cũng cho rằng, dự luật mới nên giữ quy định mức đóng bảo hiểm của học sinh bằng 4,5% mức lương cơ sở, không nên tăng quá cao. Lý giải về đề xuất này, bà Hằng cho hay, từ ngày 1/7/2024 mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm thực tế cũng tăng theo. Do đó, nên duy trì mức đóng 4,5%, để tạo cân bằng thu nhập của người dân.

Nữ đại biểu Châu Quỳnh Dao kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để tiến tới đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cũng đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp. Dự Luật tập trung 4 nhóm chính sách:

- Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan;

- Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn;

- Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;

- Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Bình luận (4)
vtcnews.vn
vtcnews.vn

Lại áp lực,sao đòi dạy thêm kiếm tiền lại không áp lực...đăy với là áp lực của phụ huynh,hs.

6 tháng trướcPhản hồi
vtcnews.vn

Rất chia sẻ với ý kiến của Bà, tuy nhiên cần có cái nhìn rất tổng thể chung, cần nhận thức nhà trường cũng là bộ phận của xã hội, vậy ai thu BHYT cho học sinh là đúng nhất, đơn giản nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội nhất ??? hay chỉ là ý kiến rồi không chỉ ra được ai thu ??? và không thu được thì học sinh của mình ốm đau bệnh tật thì sao ??? chưa nói mình là viên chức thì tuân thủ trách nhiệm và nghĩa vụ các quy định của Đảng, PL Nhà nước, trong tuyên truyền đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống. TBT đã nói phải tinh giản, đơn giản, tiết kiệm thời gian chi phí cho xã hội thì mới có kỷ nguyên vươn mình trong thời gian tới được, thêm 1 việc nhỏ thu tiền nộp BHYT của học sinh mà đùn đẩy??? Hiện nay tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đã tiệm cận toàn dân rồi nếu không có sự chung tay của nhà trường, giáo viên thì có được kết quả như vậy hay không ??? qua đó để thấy được kết quả trên vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của mình trong hiện thực chính sách nhân văn cao cả của Đảng Nhà nước là chăm lo sức khỏe cho Nhân dân.

6 tháng trướcPhản hồi
vtcnews.vn

Bạn cứ làm công tác giáo viên chủ nhiểm lớp lúc đó sẽ biết

6 tháng trước Phản hồi
vtcnews.vn

Đây là một sự thật. Áp lực dây chuyền từ trên xuống: Tỉnh xuống huyện, huyện xuống hiệu trưởng, hiệu trưởng đưa GVCN. GVCN phải thu đủ loại: BHYT, BHTN, học phí, các loại quỹ (nếu có). Nên "cởi trói" việc thu tiền cho GVCN để họ giảm áp lực, có thêm thời gian cho các hoạt động khác.

5
6 tháng trướcPhản hồi
Cùng chuyên mục
Tin mới