Video: Chạy xe máy lên vỉa hè, nam shipper bị phạt hơn cả tháng thu nhập.
Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, TS Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, bất cứ quy định mới nào, nhất là liên quan đến xử phạt đều vấp phải phản ứng trái chiều của một bộ phận người dân.
Ông Thanh đồng tình với việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên gấp nhiều lần đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi cố ý, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Phạt dứt khoát để răn đe
TS Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận, mục tiêu chính của việc tăng mạnh mức phạt nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và tình trạng coi thường pháp luật, "nhờn luật" hiện nay.
"Nghị định 100/2019 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) mức phạt nhẹ quá sinh ra "nhờn luật", lần này chúng ta dứt khoát để đủ sức răn đe với những trường hợp cố tình vi phạm", ông Thanh nói.
Việc tăng mạnh mức phạt hành chính tạo ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, trong đó có ý kiến băn khoăn về số tiền phạt lớn so với mức thu nhập hàng tháng của người lao động.
Thói quen tham gia giao thông tùy tiện, bừa bãi ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ người dân, đến khi Nghị định 168 ra đời, đưa mọi người vào khuôn phép gây ra sự khó chịu, phản ứng tiêu cực.
TS Nguyễn Văn Thanh
Tuy nhiên, theo ông Thanh, trong tình hình ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của nhiều người còn thấp, cố tình vi phạm, coi thường các quy tắc giao thông thì việc "đánh vào kinh tế" là một biện pháp có tính ngăn ngừa hữu hiệu, đòi hỏi người lái xe phải tuân thủ nghiêm túc hơn.
"Thói quen tham gia giao thông một cách tùy tiện, bừa bãi ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ người dân, đến khi Nghị định 168 ra đời, đưa mọi người vào khuôn phép thì đương nhiên sẽ gây ra sự khó chịu, phản ứng tiêu cực.
Nhưng anh phản ứng thế nào thì vẫn phải tuân thủ pháp luật, đừng vin vào cớ sợ đi làm muộn nên phải chạy lên vỉa hè, vượt đèn đỏ...", nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.
Vị chuyên gia nêu thực tế tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương còn ghi nhận tình trạng đèn tín hiệu giao thông trục trặc kỹ thuật, xe ô tô dừng đỗ dưới lòng đường, trên vỉa hè, quán xá bày bán tràn lan gây cản trở giao thông khiến người dân đi đúng luật thì ùn ứ, mà sai luật thì chịu phạt nặng.
Ông Thanh kiến nghị lực lượng chức năng sớm khắc phục hiện tượng này nhằm đồng bộ công tác quản lý, điều hành giao thông từ khâu hạ tầng, tổ chức cho đến tuần tra, kiểm soát.
"Cần bảo đảm người dân không bị phạt oan, nhưng cũng không thể nhượng bộ để tái diễn các hành vi vi phạm, nhất là nhóm lỗi có tính chất cố ý. Hài hòa lợi ích các bên nhưng không buông lỏng để nhờn luật, coi thường luật pháp", TS Nguyễn Văn Thanh nói.
Nêu quan điểm về những ý kiến trái chiều khi áp dụng Nghị định 168, Tiến sĩ - luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành khẳng định, xã hội luôn được điều chỉnh bởi pháp luật, pháp luật phải có tính răn đe mạnh, từ đó tạo thói quen ý thức chấp hành pháp luật. Pháp luật luôn có tính công bằng với tất cả đối tượng bị điều chỉnh chứ không thể phân biệt người giàu, người nghèo khi vi phạm giao thông.
Tuy nhiên để Nghị định 168 thật sự hiệu quả và cả xã hội đồng tình cao, luật sư Lê Bá Thường kiến nghị cơ quan giao thông vận tải phải sửa chữa và mở rộng cầu đường, đồng bộ hạ tầng giao thông để việc lưu thông cho người dân thuận lợi, tránh tình trạng né tránh, sợ sệt vi phạm dẫn đến ùn tắc giao thông.
Cơ quan chức năng cần phải tăng cường lắp đèn xanh cho phép rẽ phải ở những con đường dễ kẹt xe cũng như tăng số lượng camera phạt nguội ở tất cả các ngã tư... để thu thập hình ảnh xử phạt.
Đặc biệt, cần tăng cường CSGT đi tuần tra làm đúng chức trách điều tiết giao thông chứ không chỉ tập trung canh xử phạt vi phạm giao thông với người dân. Nhà nước ban hành quy định xử lý nghiêm khắc có tính răn đe đối với những hành vi cố tình gây khó dễ, nhũng nhiễu của CSGT nào vi phạm khi làm nhiệm vụ.
Điểm nhân văn của Nghị định 168
Cùng bàn luận, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Nghị định 168 được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng quản lý giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông - vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội hiện nay.
"Để giải quyết tình trạng giao thông phức tạp, chúng ta cần triển khai 2 nhóm biện pháp là tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thực thi mạnh mẽ các chế tài xử lý. Việc tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc tham gia giao thông an toàn, trong khi các biện pháp cưỡng chế như phạt tiền và trừ điểm giấy phép lái xe là cần thiết để xử lý những hành vi vi phạm nghiêm trọng", ông Tạo nhấn mạnh.
Đi sâu vào phân tích, ông Tạo cho biết Nghị định 168 có một số điểm mới quan trọng, bao gồm việc tăng mức phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông nguy hiểm và áp dụng hệ thống trừ điểm đối với giấy phép lái xe.
Mặc dù mức phạt có thể gây khó khăn cho người dân nhưng nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng đây là bước đi hợp lý nhằm tăng cường tính răn đe và làm giảm các hành vi vi phạm.
"Bên cạnh đó, Nghị định 168 có những điểm nhân văn. Ví dụ, với những vi phạm ít nghiêm trọng, người vi phạm không bị giữ lại giấy phép lái xe ngay lập tức mà chỉ bị phạt tiền và trừ điểm. Điều này giúp cho người tham gia giao thông có thể sửa đổi hành vi mà không gặp phải những tác động quá nặng nề ngay lập tức", ông Tạo nói.
Theo ông Tạo, khi Nghị định 168 được triển khai, có những tác động đáng kể đến đời sống hằng ngày của người dân. Mặc dù nhiều người dân sẽ ủng hộ vì có thể giảm được tai nạn giao thông và nâng cao ý thức tham gia giao thông, nhưng cũng không ít người cảm thấy bất an, đặc biệt là những người thường xuyên vi phạm luật.
Việc siết chặt quản lý giao thông có thể dẫn đến sự thay đổi trong thói quen di chuyển của người dân, khi họ tìm cách tránh các khu vực có mức giám sát giao thông cao. Điều này có thể làm giảm ùn tắc ở những khu vực này, nhưng cũng tạo ra những thách thức mới ở các con đường khác.
TS Khương Kim Tạo khẳng định, dù có một số phản ứng phụ nhưng việc thực thi nghiêm ngặt Nghị định 168 sẽ giúp dần xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, văn minh và hiện đại.
Bên cạnh đó, ông Tạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn bao gồm cách ứng xử của người tham gia giao thông.
"Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng trống mà pháp luật không thể bao quát hết và giúp xây dựng một môi trường giao thông lành mạnh, an toàn", nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nói thêm.
Bình luận