Kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar dẫn lại tuyên bố của Ủy viên ECOWAS phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh, ông Abdel-Fatau Musah ngày 11/8 cho biết liên minh này không tìm ra bằng chứng cho thấy Wagner tham gia cuộc đảo chính tại Niger vào cuối tháng 7.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng Wagner vẫn có thể hưởng lợi từ tình hình dù không tham gia đảo chính. Ông Musah cũng lưu ý rằng ECOWAS sẽ không cho phép Tây Phi biến thành nơi diễn ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Trước đó, ngày 26/7, lực lượng đảo chính ở Niger đã phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum, đóng cửa biên giới quốc gia, ban hành lệnh giới nghiêm và đình chỉ hiến pháp, cũng như cấm các đảng phái chính trị hoạt động. Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc do Tướng Abdourahmane Tchiani nắm quyền lãnh đạo được thành lập để điều hành đất nước.
Sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh ECOWAS về tình hình Niger, Tổng thống Bờ Biển Ngà (Côte d'Ivoire) Alassane Ouattara ngày 10/8 tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo của khối kinh tế này đã nhất trí phát động một chiến dịch quân sự ở Niger càng sớm càng tốt.
Cùng ngày, ECOWAS đã thực hiện bước tiếp theo trong việc buộc lực lượng đảo chính khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger bằng cách đặt lực lượng dự phòng ECOWAS trong trạng thái sẵn sàng can thiệp quân sự. Song, không tiết lộ quy mô của lực lượng can thiệp cũng như quốc gia thành viên nào sẽ tham gia.
Tuần trước, Chủ tịch Viện Tự do Châu Phi Franklin Nyamsi đã cảnh báo rằng ECOWAS có thể gây ra “một cuộc chiến tranh thế giới ở Châu Phi” nếu khối này cố gắng loại bỏ lực lượng đảo chính ở Niger bằng vũ lực.
Nigeria, Senegal và Bờ Biển Ngà nằm trong số các thành viên ECOWAS đã yêu cầu khôi phục chính phủ cũ của Niger. Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara lên án việc giam giữ ông Bazoum với những điều kiện khắc nghiệt tại Dinh Tổng thống, như không điện, không nước sinh hoạt, thực phẩm hoặc thuốc men, là một “hành động khủng bố”.
Bất chấp yêu cầu của khối khu vực, lực lượng đảo chính Niger tuyên bố sẽ “bảo vệ đất nước” trước bất kỳ cuộc tấn công nước ngoài nào. Một số quốc gia châu Phi, bao gồm Mali và Burkina Faso liên kết với chính quyền Niger, cảnh báo họ sẽ rút khỏi khối và “áp dụng các biện pháp tự vệ để hỗ trợ các lực lượng vũ trang và người dân Niger” trong trường hợp có can thiệp.
Bình luận