• Zalo

Cách luộc gà cúng không bị đỏ xương

Gia đìnhThứ Tư, 22/01/2025 05:57:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Để có được gà cúng đẹp mắt, không bị nứt da hay đỏ xương, đòi hỏi sự tỉ mỉ và tuân theo một số nguyên tắc nhất định dưới đây.

Gà cúng là lễ vật thiêng liêng và không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi dịp Tết đến xuân về, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Việc luộc gà cúng sao cho da vàng óng, bóng bẩy, không bị nứt hay đỏ xương đòi hỏi sự khéo léo và một vài bí quyết.

Gà cúng là lễ vật quan trọng trong mâm cỗ cúng gia tiên. (Ảnh minh họa)

Gà cúng là lễ vật quan trọng trong mâm cỗ cúng gia tiên. (Ảnh minh họa)

Chuẩn bị luộc gà

Để luộc được con gà cúng ngon với làn da bóng vàng, tạo dáng đẹp bạn phải hết sức tập trung, tỉ mỉ trong suốt quá trình chuẩn bị và luộc. Bí quyết luộc gà cúng đẹp nằm ở 3 khâu chính là chọn gà, mổ và tạo dáng gà, luộc gà.

Để có gà cúng đẹp, trước tiên ta phải chọn được gà ngon, gà ta thả vườn hoặc gà trống tơ. Gà ta thường có thịt chắc, da vàng tự nhiên, khi luộc sẽ thơm ngon và đẹp mắt hơn so với gà công nghiệp. Trọng lượng gà khoảng 1,5 - 2kg là vừa.

Gà phải tươi mới, không để đông lạnh quá lâu. Kiểm tra độ tươi bằng cách ấn nhẹ vào thịt gà, nếu thịt có độ đàn hồi tốt, không bị nhão là gà tươi.

Cách mổ và tạo dáng gà

Đối với gà cúng, việc mổ moi là bắt buộc thay vì mổ phanh như các món ăn thông thường (rang, chiên, luộc). Mổ moi giúp giữ nguyên hình dáng gà, tránh co rút da và tạo dáng đẹp mắt hơn khi bày cúng. Để hạn chế tối đa tình trạng co rút da, đặc biệt là ở phần đùi gây nứt toác, nên cắt rời phần chân gà từ khớp khuỷu.

Dáng gà chầu (gà quỳ) là dáng phổ biến nhất trong các dịp cúng lễ. Để tạo dáng này, cần dùng dao sắc rạch hai đường nhỏ ở hai bên cổ gà, đủ để luồn phần cánh qua đó, hướng về phía miệng gà. Quá trình này đòi hỏi sự cẩn thận và khéo léo để tránh làm gãy xương hoặc cong vẹo cánh gà, đồng thời vẫn giữ được dáng cánh hướng ra ngoài tự nhiên.

Nếu muốn tạo dáng gà bay, hãy nhẹ nhàng bẻ hai cánh gà về phía lưng. Sau đó, dùng dây lạt hoặc dây nylon mềm buộc cố định phần khớp xương của hai cánh lại với nhau. Lưu ý buộc với lực vừa phải, tránh quá chặt gây hằn vết hoặc rách da gà sau khi luộc. Nên dùng loại dây không bị phai màu vào nước luộc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các bước luộc gà

Để có món gà luộc thơm ngon, việc lựa chọn nồi và lượng nước phù hợp là rất quan trọng. Nên chọn nồi có kích thước vừa đủ để gà ngập hoàn toàn trong nước. Lượng nước tối thiểu phải ngập 2/3 con gà, lý tưởng nhất là ngập hoàn toàn để thịt gà chín đều và mềm ngọt.

Bắt đầu bằng việc cho gà vào nồi nước lạnh là bước không thể bỏ qua. Điều này giúp thịt gà săn chắc, không bị đỏ xương và da không bị nứt nẻ. Không nên đun nước sôi rồi mới cho gà vào.

Sau đó, thêm vào nồi một ít muối, vài lát gừng đập dập và củ hành tím nướng sơ để khử mùi tanh và tạo hương thơm đặc trưng. Bạn có thể tùy thích cho thêm hành lá, lá chanh hoặc một chút bột nghệ để tăng thêm màu sắc và hương vị cho món ăn.

Cuối cùng, khi đặt gà vào nồi, hãy nhớ đặt phần bụng của gà hướng xuống dưới. Cách làm này giúp thịt gà chín đều và hạn chế tình trạng da gà bị nứt ở phần lưng.

Chú ý nhiệt độ và thời gian luộc

Đầu tiên, đun lửa lớn để nước nhanh sôi. Khi nước sôi, hạ nhỏ lửa liu riu, giữ cho nước chỉ sôi lăn tăn. Khi nước sôi có bọt khí to thì thả lòng mề, gan vào, thả lúc này thì gà không bị thâm do tiết dính vào.

Khi bọt khí ổn định (sôi nhỏ, không bị bùng) thì đậy vung. Sau đó hạ nhỏ lửa và đun sôi lăn tăn trong vòng 10 -15 phút. Tắt bếp. Để om gà trong nồi 20-25 phút rồi vớt ra, rửa bằng nước sôi để nguội hoặc đá lạnh gà vừa luộc ngay lập tức để con gà trông sạch sẽ, đẹp mắt, và thịt gà săn lại, da giòn, bóng.

Để da gà vàng óng đẹp hơn, có thể xoa nghệ tươi hoặc mỡ gà đã thắng lên da gà sau khi luộc và để ráo. Để gà không bị thâm đen khi bày lên mâm cúng, có thể dùng một ít mỡ gà quét nhẹ lên da gà.

Lê Hà(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn