• Zalo

Bác sĩ tàn bạo giết 15 con chó để làm thí nghiệm về linh hồn

Chuyện bốn phươngThứ Bảy, 01/01/2022 13:53:00 +07:00 Google News

Để chứng minh giả thuyết của mình về kinh hồn, bác sĩ MacDougall bắt 15 con chó và tự tay giết chúng để thực hiện thí nghiệm.

Hồn ma có thực sự tồn tại trên đời này không? Đó là câu hỏi gây ra nhiều nhanh cãi nhất trong lịch sử loài người nhưng đến nay vẫn không ai chứng minh được. Kẻ tin thì khăng khăng rằng có, còn người không tin thì quả quyết là không. Lịch sử loài người cũng có không ít những quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Nỗ lực cân linh hồn

Thời Hy Lạp cổ đại, nhà triết học Pythagoras tin rằng linh hồn con người có nguồn gốc thần thánh và chỉ tồn tại ở thời điểm trước và sau khi chết, trong khi đối với Ấn Độ giáo, “atman” (hay còn gọi là “hơi thở” hoặc “linh hồn”) là bản thể phổ biến, vĩnh cửu. 

Ngày 10 tháng 4 năm 1901, ở thành phố Dorchester, bang Massachusetts Massachusetts (Mỹ), một bác sĩ tên Duncan MacDougall mang niềm tin sâu sắc vào sự tồn tại của linh hồn con người đến nỗi ông đã cố gắng... cân nó. Niềm tin này đã dẫn đến "Lý thuyết 21 gam" đến nay vẫn để lại nhiều tranh cãi và cả những chỉ trích gay gắt.

Trong hầu hết các hệ thống tôn giáo, thần bí, triết học và thần thoại, linh hồn con người được xem như bản chất của một sinh vật. Linh hồn (hay còn gọi là psyche) hình thành nên suy nghĩ và nhận thức của một người về thực tại, do đó hình thành nên tính cách, cảm xúc và ý thức của mỗi con người.

Vị bác sĩ người Scotland này tin rằng linh hồn cũng có khối lượng như các vật chất khác trên Trái đất và do đó... có thể cân được! Ông tưởng tượng rằng khi ai đó chết đi, linh hồn rời khỏi cơ thể để sống ở một nơi giống như thiên đàng vĩnh viễn và ông cho rằng cách tốt nhất để chứng minh giả thiết của mình đúng là cân trọng lượng cơ thể của người chết vào đúng thời điểm họ trút hơi thở cuối cùng và ngay sau đó. Sự chênh lệch về trọng lượng sẽ là... trọng lượng của linh hồn đã khuất.

Và để làm được điều đó thì việc trước tiên phải tìm được người sắp chết. MacDougall đã tìm được vài người tình nguyện tham gia thí nghiệm. Ông ta chọn những người mắc bệnh nan y sắp chết vì bệnh lao hoặc những căn bệnh tương tự. Bởi chỉ những người đã kiệt sức như thế thì lúc hấp hối họ mới nằm yên, tránh bị rung cân, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

MacDougall thậm chí còn đặt làm riêng một chiếc giường đặc biệt đặt vững chắc trên một cái cân công nghiệp, có độ nhạy khoảng 5,6 gr. Tình nguyện viên khi hấp hối sẽ ngay lập tức được đặt lên chiếc giường này.

Bác sĩ tàn bạo giết 15 con chó để làm thí nghiệm về linh hồn - 1

Có tin đồn cho rằng MacDougall đã bắt các tình nguyện viên phải... bịt hết các lỗ bài tiết để tránh việc dịch thể trào ra ngoài làm sai lệch kết quả. Tuy nhiên điều này không hề chính xác. Bản thân MacDougall cũng đã tính đến vấn đề này, nhưng về bản chất thì mọi dịch thể nếu có tiết ra sẽ vẫn nằm trên giường, nên không gây ảnh hưởng đến kết quả tổng thể.

Khi đến thời điểm cân đo, mọi thứ không diễn ra như kế hoạch.

"Thật không may, cân của chúng tôi không được điều chỉnh tinh vi và có rất nhiều sự can thiệp của những người phản đối công việc của chúng tôi", MacDougall chia sẻ sau thí nghiệm thất bại. Một trường hợp khác, bệnh nhân qua đời trước khi chiếc cân được chuẩn bị.

Sau cùng, kết quả của toàn bộ thí nghiệm được công bố trong ấn bản năm 1907 của Tạp chí Hiệp hội Nghiên cứu Tâm thần Mỹ. Kết quả của thí nghiệm này, được chứng kiến bởi bốn bác sĩ y khoa khác, thực sự đáng kinh ngạc.

Một trường hợp thực sự mất đi một phần trọng lượng đúng vào thời điểm qua đời, với con số cụ thể là 21,3 gr. Một trường hợp khác mất 14 gr ngay trước khi xác nhận tử vong, rồi mất thêm 42,5 gr nữa. Trường hợp thứ 3 vừa nhẹ đi rồi lại nặng lên ngay sau đó.

Thế rồi, MacDougall tự tin kết luận rằng ông đã chứng minh được sự tồn tại của linh hồn. Trong khi đó, nhiều người tỏ ra nghi ngờ vào thí nghiệm có quá nhiều vấn đề này.

Giết 15 con chó để chứng minh 

Như nhiều thí nghiệm khoa học khác, bác sĩ MacDougall sau đó nhận ra rằng ông sẽ cần phải thực hiện một thí nghiệm đối chứng. Vì vậy, ông bắt 15 con chó và tự tay giết chúng để thực hiện thí nghiệm. 

Bởi vấn đề ở loài chó là chúng không thể ngồi yên kể cả khi hấp hối. "Tôi không may mắn để có thể tìm được những những con chó chết vì bệnh tật như thí nghiệm với người", ông viết. Vì vậy, MacDougall đã giết một số con chó khỏe mạnh để thực hiện mục đích.

 Ông cho rằng động vật không có linh hồn, vì vậy chúng sẽ không nhẹ cân đi khi chúng chết. Các thí nghiệm trên con người đã thấy thực sự quá đáng, nhưng nghĩ đến cảnh những con chó bị giết chết theo cách tàn nhẫn như vậy, nhiều người không khỏi rùng mình, căm phẫn. 

Và sau đó, MacDougall báo cáo rằng toàn bộ số chó dùng trong thí nghiệm đã không thay đổi chút khối lượng nào ngay sau khi chết.

Từ niềm tin về linh hồn người chết của mình, MacDougall đã làm ra một thí nghiệm đầy tranh cãi mà kết quả thì... chẳng nói lên điều gì cả. Câu hỏi "Hồn ma có thực sự tồn tại trên đời này không?" vẫn chưa có câu trả lời.

Kết quả của MacDougall bị "soi" ra là có rất nhiều lỗi, do cách thu thập số liệu của ông không minh bạch. Bản thân MacDougall cũng thừa nhận rằng việc xác định chính xác thời điểm tử vong là rất khó khăn. 

Đương nhiên, các nhà khoa học trên thế giới cũng không thể đồng tình. Theo nhà tâm lý học Bruce Hood trong cuốn sách xuất bản năm 2009 của ông mang tên "Supersense: From Superstition to Ton - The Brain Science of Belief", thí nghiệm của MacDougall đã bị cộng đồng khoa học bác bỏ. Cả 2 phương pháp của ông đều sai lầm và có sự gian lận.

Năm 1907, bác sĩ Augustus P. Clarke là người chỉ trích gay gắt nhất lý thuyết, thí nghiệm và kết quả của MacDougall. Ông lập luận rằng khi chết, phổi ngừng làm mát máu và điều này gây ra một sự gia tăng đột ngột về nhiệt độ cơ thể, do đó mồ hôi thoát ra làm mất đi hơn 21 gr trong lượng cơ thể. Và hơn nữa, theo cuốn sách xuất bản năm 2011 "Paranormality: Why We See What Not There", tiến sĩ Clarke cũng chỉ ra rằng chó không có tuyến mồ hôi, lý do tại sao 15 con chó không giảm cân sau khi chết.

Và thế là, thí nghiệm của bác sĩ MacDougall đã trở thành trò cười cho thế hệ sau này.

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn