Vừa qua, các trường, giáo viên ở Hà Nội trao đổi trực tuyến về vướng mắc và kinh nghiệm dạy tích hợp môn Khoa học Tự nhiên lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Thời khoá biểu linh hoạt
Cô Vũ Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên) cho rằng, để triển khai tốt môn Khoa học Tự nhiên, trước tiên các cán bộ, giáo viên cần nghiên cứu kỹ lưỡng các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở, Phòng.
Với 6 giáo viên đảm trách dạy các môn học Lý, Hoá, Sinh cho tất cả khối lớp, ban đầu trường gặp khó khi sắp xếp kế hoạch dạy học sao cho không tạo áp lực tăng tiết làm ảnh hưởng tới sức khoẻ giáo viên.
Thời gian đầu, trường phân chia dạy các mạch nội dung Lý - Hoá - Sinh với thời lượng 2 tiết Lý - 1 tiết hoá - 1 tiết Sinh. Tuy nhiên, với cách làm như vậy, chương trình và nội dung sách giáo khoa bị “đảo lộn”, đặc biệt học sinh khó hiểu bài. Bởi chủ đề môn học trong chương trình, sách giáo khoa được sắp xếp theo logic tuyến tính, kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm.
Sau đó, các giáo viên tổ bộ môn trường THCS Ngô Gia Tự quyết định thay đổi hướng dạy, sẽ “chạy” tuần tự chương trình theo sách giáo khoa để học sinh tiếp thu được tốt nhất.
“Với việc sắp xếp mới, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên sẽ bị tăng số tiết dạy. Ví dụ, trước đây một giáo viên dạy 19 tiết/tuần cho cả 4 khối lớp, thì nay có thể sẽ tăng lên 20 - 22 tiết/tuần. Qua 1 tháng thực hiện, hiện việc triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên của trường đang rất thuận lợi. Thời khoá biểu và kế hoạch dạy học sẽ được điều chỉnh theo từng tháng để phù hợp với chương trình và cả điều kiện dịch bệnh hiện nay”, cô Yến cho biết thêm.
Vị hiệu trưởng chia sẻ kinh nghiệm sắp xếp các tiết học môn tích hợp, với phần nội dung giới thiệu về bộ môn Khoa học Tự nhiên, nhà trường tổ chức dạy từ tuần 1 đến tuần 4 (trung bình 4 tiết/tuần), 2 tiết do giáo viên Vật lý thực hiện, 2 tiết do giáo viên Sinh học thực hiện.
Từ tuần 5 đến tuần 10 dạy chương “Chất và sự biến đổi của Chất”, liên quan nhiều hơn đến kiến thức Hoá học, trường bố trí giáo viên chuyên môn Hóa học đảm nhận, thời lượng 4 tiết/tuần.
Tuần 11 đến tuần 18 dạy chương “Vật sống” thiên về kiến thức Sinh học, trường bố trí giáo viên chuyên môn Sinh học đảm nhiệm, thời lượng 4 tiết/ tuần. Tương tự như vậy với các phần nội dung còn lại ở các tuần tiếp theo.
Theo cô Yến, với cách sắp xếp trên, việc dạy học vẫn bảo đảm đủ 140 tiết/năm và tính logic của chương trình Khoa học tự nhiên. Đặc biệt, các giáo viên dạy môn học mới này được ưu tiên không phải làm nhiều nhiệm vụ kiêm nhiệm khác, kể cả công tác chủ nhiệm, để thầy cô chuyên tâm thực hiện dạy học hiệu quả.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, Khoa học Tự nhiên là môn học tích hợp mới, nếu dạy song song sẽ rời rạc, không có mạch kiến thức, vì thế học sinh rất khó hiểu, khó hình dung, khó nhớ.
Do đó, không chỉ trường THCS Ngô Gia Tự mà 100% trường THCS trên địa bàn quận Long Biên đều linh hoạt trong bố trí thời khóa biểu để bảo đảm logic của môn tích hợp và điều kiện giảng dạy của giáo viên.
'Bài toán nhiều lời giải'
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, những cách làm hay của các trường là minh chứng khẳng định chúng ta có thể dạy học tốt môn tích hợp Khoa học tự nhiên với điều kiện hiện nay. Quan trọng là sự quyết tâm của các cán bộ quản lý, giáo viên để tìm ra cách làm hay, phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường.
Để dạy học tốt được môn học này, theo Thứ trưởng, trước hết cần nhận thức đầy đủ về môn học, từ đó có sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT, Sở/Phòng GD&ĐT, đến các hiệu trưởng và lan tỏa đến giáo viên.
Trước khi bước vào học mới 2021 – 2022, Bộ GD&ĐT ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể việc dạy các môn tích hợp và sẽ tiếp tục trao đổi, chỉ đạo để các Sở/Phòng hiểu đúng, tạo thuận lợi để nhà trường thực hiện hiệu quả.
Trong đó đặc biệt chú trọng là thực hiện phân cấp xây dựng và quyết định kế hoạch giảng dạy của nhà trường, trong đó có sắp xếp thời khóa biểu. Việc này do hiệu trưởng cơ sở giáo dục quyết định và báo cáo Phòng GD&ĐT để nắm bắt, quản lý, kiểm tra, thanh tra.
Riêng với thời khóa biểu, Thứ trưởng lưu ý cần sắp xếp linh hoạt, có thể không nhất thiết “đồng phục” 4 tiết Khoa học tự nhiên/tuần mà có thể điều chỉnh tăng, giảm sao cho phù hợp, không quá tải cho giáo viên.
Ví dụ, trong một tuần, khi giáo viên có giờ Khoa học tự nhiên lớp 6 thì trường sẽ điều chỉnh bớt 1 số tiết ở lớp khối 7, 8. Các tiết này được xếp dồn vào các tuần trước hoặc sau cho phù hợp, bảo đảm cân đối về nội dung dạy học theo từng học kì.
“Đáp án của bài toán dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên là sắp xếp thời khoá biểu. Tuy nhiên, đây là bài toán với nhiều đáp án, tuỳ thuộc vào điều kiện thực hiện của từng trường. Vấn đề đặt ra là làm sao đáp ứng đúng chương trình và bảo đảm cho giáo viên giảng dạy phù hợp”, Thứ trưởng Độ nhấn mạnh đề nghị các nhà trường, giáo viên nỗ lực, sẵn sàng thay đổi để thực hiện tốt môn học này.
Bình luận