• Zalo

'Át chủ bài' của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại không lợi hại như Bắc Kinh tưởng

Thế giớiThứ Tư, 22/05/2019 17:07:00 +07:00 Google News

Trung Quốc từng rất tự tin có thể dùng đất hiếm như 1 quân bài mặc cả khi chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ, nhưng CNN cho rằng, Bắc Kinh có thể đã nhầm.

Hôm 20/5, Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm JL Mag, một trong những nhà máy khai thác và xử lý đất hiếm lớn nhất đất nước, ở huyện Cám Châu, tỉnh Giang Tây. 

Tháp tùng ông trong chuyến đi lần này có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Mỹ trong vòng đàm phán đổ bể ở Washington cách đây gần 2 tuần. 

Giới quan sát tin rằng trong bối cảnh nhiều chuyên gia Trung Quốc kêu gọi chính phủ ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để dằn mặt Washington, chuyến đi của ông Tập phát đi những "thông điệp ngầm" tới xứ cờ hoa

Hoàn cầu Thời báo, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc mang đến sự ủng hộ, hỗ trợ to lớn cho ngành công nghiệp được xem là một trong những vũ khí quan trọng của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại đang sục sôi với Mỹ. 

tap can binh

Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm nhà máy đất hiếm JL Mag ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc hôm 20/5. Ảnh: SCMP

Tờ này thậm chí còn khẳng định nhu cầu đất hiếm của Mỹ đã đặt con át chủ bài vào tay Bắc Kinh. 

"Sẽ phải mất nhiều năm nếu Mỹ muốn xây dựng lại nền công nghiệp đất hiếm và tăng nguồn cung nội địa để giảm sự phục thuộc vào Trung Quốc. Chừng đó đủ dài để Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong thời gian đó, sự độc tôn của Trung Quốc trong việc sản xuất đất hiếm sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát được huyết mạch ngành công nghệ cao của Mỹ", Hoàn cầu Thời báo viết. 

Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà tờ báo Trung Quốc lại tự tin đến vậy. 

Đất hiếm rất quan trọng đối với ngành công nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ cao bao gồm điện thoại thông minh, laser, hệ thống tên lửa, chất siêu dẫn và một loạt các thiết bị khác.

Trung Quốc chiếm 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu từ năm 2014-2017 và là một trong các mặt hàng không bị Washington áp thuế bất chấp căng thẳng thương mại đang leo thang giữa 2 quốc gia. 

Bắc Kinh trong quá khứ từng chứng minh vị thế đứng đầu thế giới về trữ lượng đất hiếm vào năm 2010 khi xảy ra tranh chấp với Nhật Bản liên quan tới khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Không lâu sau khi Tokyo bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá của Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Tokyo sau đó buộc phải thả thuyền trưởng Trung Quốc để quốc gia láng giềng khôi phục lại xuất khẩu. 

Tuy nhiên, thực tế là Nhật Bản chỉ nhượng bộ một phần, họ vẫn không hề có ý định nhượng bộ trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong báo cáo gửi tới Hội đồng Quan hệ đối ngoại, ông Eugene Gholz, chuyên gia tham vấn cho chính quyền Mỹ về đất hiếm cho rằng chưa có thời điểm nào mà đất hiếm lại trở thành đòn bẩy mạnh mẽ với Trung Quốc như năm 2010, nhưng "kể cả trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy, Bắc Kinh vẫn khó có thể khai thác sức mạnh thị trường và đòn bẩy chính trị của nó". 

dat hiem

Mỏ đất hiếm Bayan Obo tại Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Ông Gholz cho rằng, các nhà hoạch định chính sách không nên phóng đại các mối đe dọa về nguyên liệu thô hay khuất phục trước áp lực của chúng bởi không phải đe dọa nào cũng đáng sợ.

Mặc dù có tên là đất hiếm nhưng đất hiếm không quá hiếm như chúng ta tưởng. Không giống như dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác, nhu cầu cung cấp liên tục với số lượng lớn của đất hiếm thấp hơn. Nhiều sản phẩm sử dụng đất hiếm cũng chỉ yêu cầu một lượng nhỏ, vì vậy, ngay cả khi bị đánh thuế, cũng sẽ có một khoảng thời gian nhất định cho tới khi chúng bị ảnh hưởng. 

Mỹ cũng đang duy trì kho dự trữ nhiều vật liệu đất hiếm quan trọng, đặc biệt là với các loại sử dụng trong công nghiệp quốc phòng. 

Sản lượng đất hiếm của Trung Quốc hiện chiếm khoảng 90% sản lượng toàn cầu, tuy nhiên con số này phần nhiều xuất phát từ các quy định môi trường tương đối lỏng lẻo trong quá khứ của Trung Quốc liên quan tới quá trình khai thác và sàng lọc. Lợi thế bị thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây khi Bắc Kinh mạnh tay xử lý các công ty khai thác đất hiếm bất hợp pháp trong nước. 

Khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm trên thế giới đang nằm rải rác ở nhiều nơi tại Trung Quốc nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới cũng là một trong những nước sử dụng đất hiếm nhiều nhất cho các ngành công nghiệp. 

Dự đoán tới năm 2025, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu ròng đất hiếm. Kịch bản này nếu xảy ra, sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc nếu định đẩy giá đất hiếm hay dùng nó như một công cụ chính trị. 

Các công ty công nghệ cũng đã bắt đầu đổi mới cách sử dụng đất hiếm. Apple, trong một báo cáo môi trường, mới đây cho biết họ đã bắt đầu tái chế đất hiếm từ những chiếc Iphone và các sản phẩm khác. 

Theo CNN, Trung Quốc nên nhìn nhận lại con bài mà họ đang hết sức tin tưởng có thể sẽ giúp Bắc Kinh giành lợi thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. 

"Trung Quốc nên thấy rằng, đất hiếm có thể đã không còn là một con bài thành công nữa", tờ báo Mỹ kết luận. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn