• Zalo

6 tháng đầu năm, GDP không đạt kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu giảm: Tổng cục Thống kê lý giải

Đầu TưThứ Năm, 29/06/2023 14:44:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, không đúng như như kỳ vọng do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Phân tích về mức tăng không đạt kỳ vọng, đại diện Tổng cục Thống kê lý giải, nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu suy giảm, cầu tiêu dùng giảm, khiến sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia, khu vực.

Lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn cũng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh đến các doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu. Kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế tháng 6/2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.

Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi chậm và còn nhiều bất định cũng tác động đến tình hình sản xuất trong nước.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế toàn cầu suy giảm, cầu tiêu dùng giảm, khiến sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế toàn cầu suy giảm, cầu tiêu dùng giảm, khiến sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh những nguyên nhân trong nước. Đó là: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi; Giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay - cũng chưa có cải thiện đáng kể. Một số thị trường then chốt như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động...đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, đang là thách thức đặt ra.

Mặc dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng nhưng theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu hiện nay. Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn.

Theo đó, cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá tác động tích cực tới khu vực sản xuất, từ đó có những điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết, để hỗ trợ khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất

Phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân tăng khá thấp so với 2 kênh dẫn vốn còn lại.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu...

Vì sao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm?

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, tăng trưởng của 6 tháng 2 năm trước đều đạt rất cao (năm 2022 tăng 17%; năm 2021 tăng 33,1%). Nếu so sánh về quy mô thì 6 tháng năm 2023 đạt tương đương với quy mô của 6 tháng năm 2021 (tổng kim ngạch bằng 99,3%. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá bằng 103,7%; nhập khẩu hàng hoá bằng 94,9%).

Theo báo cáo của Tradingeconomics cập nhật đến tháng 4/2023 cho 16 nền kinh tế lớn trên thế giới, thì có đến 13/16 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 12/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so cùng kỳ năm 2022.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so cùng kỳ năm 2022.

"Do vậy, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", Tổng cục Thống kê nêu.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc là thị trường có thương mại 2 chiều lớn nhất với Việt Nam đã thật sự mở cửa nền kinh tế cũng sẽ là yếu tố tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là đối với những nhóm hàng nông lâm thuỷ sản.

Nhận định trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với lạm phát trong những tháng cuối năm, tác động tới các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu; thực trạng suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới; xung đột địa chính trị… dẫn tới nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm (yếu tố này rất khó đoán định trong thời gian tới), điều này sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023.

Các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, bao gồm việc tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại (đặc biệt là các FTA đã ký kết) và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống, cụ thể các thị trường bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh...

Theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời.

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát trong 6 tháng đầu năm 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố kinh tế, chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước và tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.

So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6/2023 tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao. (Ảnh minh họa)

Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao. (Ảnh minh họa)

Để tiếp tục kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn