Yêu nước với người Việt Nam, thời nào cũng có. Những lúc đất nước gặp phong ba, bão táp thì lòng yêu nước lại có dịp bùng cháy. Ngay cả khi, niềm tự hào dân tộc trào dâng, lòng yêu nước cũng có dịp lan tỏa, khắp từ Nam ra Bắc.
Hơn 30 năm đổi mới, vượt lên trên những hậu quả nặng nề của chiến tranh, chúng ta đã giành được những thành tựu đáng tự hào về kinh tế - xã hội - đối ngoại. Thế và lực của đất nước đã bước sang một trang mới. Thành quả đó có được cũng là nhờ sự chung sức, chung lòng, là tâm huyết, là sự cần cù, sáng tạo của hàng triệu, triệu người Việt Nam.
Trong cuộc gặp với hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài gần đây ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đất nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước”.
Soi vào lịch sử, nhìn vào quá khứ, người đứng đầu Chính phủ mong muốn quy tụ người tài ở trong và ngoài nước để làm nên một Việt Nam hưng thịnh. Nhưng nhìn rộng ra, còn rất nhiều lĩnh vực đang cần khơi dậy lòng yêu nước để Việt Nam thật sự bứt phá, hóa hổ, hóa rồng.
Hẳn nhiên, nguồn lực con người, nhất là người tài, vẫn là nguồn lực quan trọng nhất. Thế giới đã chứng kiến những quốc gia bứt phá, vươn lên không phải bằng tài nguyên “rừng vàng, biển bạc” mà bằng chính nguồn lực con người. Con người Việt Nam vốn cần cù, thông minh, sáng tạo.
Gặp mảnh đất tốt, có điều kiện phát triển, nhiều người Việt đã thành danh, cả trong nước và quốc tế. Hơn lúc nào hết, đất nước đang cần họ để làm hạt nhân thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang trở thành xu thế.
Thu hút người tài, trọng dụng người tài, dù có tạo điều kiện bao nhiêu, cơ chế khuyến khích thế nào, chắc cũng không thể đủ. Quan trọng nhất là Chính phủ thực tâm, giống như xưa kia Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời gọi trí thức Kiều bào về nước trong điều kiện hết sức khó khăn. Nhưng họ tin Hồ Chủ tịch, trở về nước với tấm lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự quê hương.
Nay, sự chân thành của Chính phủ khi mời gọi trí thức về nước không chỉ bằng lời nói. Hãy nhìn vào chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động, hãy nhìn vào việc tái lập Tổ tư vấn kinh tế và kêu gọi xây dựng một quốc gia khởi nghiệp… đủ thấy, Chính phủ đang mong muốn điều gì. Muốn đất nước bứt phá, muốn nâng cao năng suất lao động và hơn hết là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đất nước muốn hưng thịnh thì không thể thiếu những tập đoàn, những thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, chỉ khi nào, khu vực kinh tế tư nhân thật sự được coi trọng thì khi đó sẽ có những “ông lớn” đủ tầm. Nhưng “ông lớn” đó không chỉ nổi lên nhờ đầu tư bất động sản mà phải có sản phẩm, có thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế.
Với thế mạnh của một nước nông nghiệp, chúng ta có gạo, cà phê, hồ tiêu với sản lượng xuất khẩu thuộc top đầu thế giới. Nhưng điều đó không đồng nghĩa, chúng ta có thương hiệu mạnh ở những sản phẩm này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, phát triển những sản phẩm thương hiệu Việt là vấn đề rất lớn. Chính phủ đã thống nhất quan điểm, sẽ tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn, đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, chúng ta mới hy vọng có những thương hiệu lừng danh, mang bóng dáng con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Đất nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước. Muốn quốc gia thịnh vượng, không có cách nào khác là mỗi người Việt Nam cần biến khát vọng đó thành những việc làm cụ thể, tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực sẵn có của mình. Đó là cách bày tỏ lòng yêu nước một cách chân chính nhất, làm cho đất nước mạnh hơn, rạng danh hơn.
Bình luận