Hơn 10 ngày kể từ khi TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, khôi phục chức danh Phó Tổng giám đốc tại Tập đoàn Trung Nguyên, đến nay bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa thể trở về vị trí điều hành của mình như phán quyết.
Theo bà Thảo, mặc cho phán quyết của Tòa án, bà vẫn bị ngăn chặn, không cho vào làm việc, kể cả khi có sự tham gia của công an khu vực.
Vì thế, bà Thảo cho biết đã gửi đơn yêu cầu Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM tổ chức thi hành án và sẵn sàng đề nghị hình sự hoá các hành vi cản trở.
Trao đổi với PV VTC News, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, sau khi bản án có hiệu lực thì coi như chức danh của bà Thảo được khôi phục về mặt pháp lý. Lúc này, nếu căn cứ vào điều lệ, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT và xét thấy có căn cứ để ra quyết định hủy bỏ chức Phó Tổng giám đốc thì HĐQT có thể họp để quyết định.
Quyết định bãi bỏ chức danh của bà Thảo phải đảm bảo các điều kiện quy định trong điều lệ và phù hợp với Luật doanh nghiệp.
“Tính đến hiện tại, việc Trung Nguyên chưa từng để bà Thảo về lại vị trí Phó Tổng giám đốc có nghĩa là họ không tự nguyện thi hành án nên người được thi hành án, tức là bà Thảo có quyền yêu cầu cưỡng chế thi hành án”, luật sư Học cho biết.
Luật sư Học cho rằng, đối với quyết định mới về việc hủy bỏ chức danh Phó Tổng giám đốc của bà Thảo cần phải xem xét như là một quyết định mới hoàn toàn và có thể là đối tượng khởi kiện tiếp theo.
“Đây là một vấn đề pháp lý nan giải đối với bà Thảo khi phải tranh chấp, khởi kiện để đòi quyền lợi và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Trung Nguyên”, luật sư Học nhận định.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thành Long (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, ngoài Luật doanh nghiệp, quan trọng nhất là điều lệ công ty có cho phép Tổng Giám đốc có quyền bãi nhiệm Phó Tổng giám đốc hay không.
Nhận định về hành động tiếp tục miễn nhiệm bà Thảo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, luật sư Long cho rằng, ngay sau khi Tòa tuyên án, Trung Nguyên có thể gửi thư mời bà Thảo quay lại làm việc như cũ. Lúc này, Trung Nguyên đã tự nguyện thi hành án theo phán quyết của Tòa, sau đó Trung Nguyên dễ dàng ra quyết định miễn nhiệm ngay.
“Về nguyên tắc khi bản án được tuyên thì cả 2 bên phải tự nguyện thi hành. Nếu người được thi hành án có đơn yêu cầu thì bên thi hành án sẽ xuống công ty thực hiện. Như vậy những quyết định bãi nhiệm trước đây của Trung Nguyên là vô hiệu, nhưng sau khi thực hiện thi hành án xong, Trung Nguyên vẫn có quyền bãi nhiệm, thật ra đây chỉ là một thủ tục mà thôi”, luật sư Long chia sẻ.
Video: Kết quả vợ chồng ông chủ Trung Nguyên hòa giải lần cuối
Trước đó, khi bị Tập đoàn Trung Nguyên ngăn cản trở về dù bản án có hiệu lực, ngoài việc yêu cầu thi hành án, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã yêu cầu tiến hành kiểm toán để xác định tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh trước và sau khi bà trở về điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.
Đồng thời, bà Thảo cũng tiếp tục tái khẳng định vị trí của mình tại Trung Nguyên khi cho biết: “Sự trở về Trung Nguyên của tôi với vai trò Phó Tổng giám đốc Thường trực đã được pháp luật bảo vệ bằng 2 phán quyết vô cùng quan trọng của Tòa án.
Bởi vì trên thực tế, tôi không chỉ là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Thường trực mà còn là bà chủ của Trung Nguyên từ trước đến nay. Không một ai trong Trung Nguyên, kể cả Tổng giám đốc, có quyền bãi nhiệm tôi trái pháp luật lần nữa”.
Bình luận