• Zalo

Xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Dân nghiêm túc chấp hành, CSGT không dám nhận 'lót tay'

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 11/01/2020 11:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng, hiện tượng 'lót tay' CSGT, tiêu cực khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn không thể xảy ra khi người dân nghiêm túc chấp hành luật giao thông.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực từ 1/1/2020 được đông đảo người dân quan tâm và đồng tình ủng hộ. Song, nhiều người lo ngại hình phạt nặng trong nghị định mới sẽ gây ra hiện tượng người vi phạm 'lót tay' CSGT.

Trả lời VTC News trước băn khoăn trên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho rằng, khi người dân hiểu luật và nghiêm túc chấp hành luật giao thông, thì hiện tượng tiêu cực trên sẽ không thể xảy ra.

Xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Dân nghiêm túc chấp hành, CSGT không dám nhận 'lót tay' - 1

Sau hơn 1 tuần ra quân, CSGT toàn quốc xử phạt 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thu hơn 12 tỷ đồng.

- Nghị định 100/2019 về xử phạt tài xế sử dụng rượu bia khi tham giao thông vừa ban hành nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, thưa ông?

Tôi cho rằng, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ những hành vi cấm đối với người tham gia giao thông. Và đặc biệt, trong thực tiễn áp dụng luật cho thấy, những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông có liên quan đến hành vi sử dụng bia rượu khi lái xe.

Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo trình với Chính phủ để đề ra Nghị định 100/2019, nhằm thực hiện nghiêm túc Luật giao thông đường bộ 2008. Tôi cho rằng, đây là quy định nhằm bảo đảm việc người điều khiển phương tiện tuân thủ, chấp hành tốt quy tắc giao thông, đồng thời bảo đảm an toàn đối với bản thân người lái xe và những người cùng tham gia giao thông khác.

Rõ ràng chúng ta đã có nhiều nghị định ban hành để xử đối với phạt hành gây tai nạn giao thông, đặc biệt là đối với hành vi lái xe khi hơi thở có nồng độ cồn tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua.

Ngoài ra, những trường hợp vi phạm, liên quan đến việc uống rượu bia như: đi không đúng làn đường, vượt quá tốc độ quy định, lùi trên đường cao tốc... là những hành vi gây nguy hiểm đối với xã hội, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông thảm khốc. Do đó, quy định mới ban hành là rất thiết thực.

- Theo Nghị định mới, tài xế vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt cao nhất tới 40 triệu đồng đối với ô tô. Mức phạt này có đủ sức răn đe không, thưa ông?

Tôi cho rằng, với thực tế hiện nay thì mức phạt này mới đủ sức răn đe và phát huy hiệu quả. Theo đó, những hành vi gây nguy hiểm tới tính mạng của người khác khi tham gia giao thông, đều bị pháp luật xử phạt nghiêm minh và chắc chắn bị xã hội lên án mạnh mẽ.

Do đó, trong trường hợp người dân tham gia liên hoan, tiệc tùng thì nên có sự sắp xếp hợp lý. Có thể bắt taxi, đi xe ôm hay các hình thức di chuyển khác, để bảo đảm an toàn cho bản thân và người khác. Và tất nhiên, phải hình thành thói quen tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu bia trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Rõ ràng sau khi luật đi vào cuộc sống, khung hình phạt trên đã phát huy tác dụng và tạo sức răn đe hiệu quả đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe. Hiện tượng nguy hại này có chiều hướng giảm, người tham gia giao thông bắt đầu chú ý hơn về hành vi vi phạm này.

Tôi cho rằng, đối với những người không có ý thức chấp hành luật giao thông và cố tình vi phạm quy định, thì mức phạt trên là hoàn toàn hợp lý và xứng đáng.

Chế tài xử lý chỉ là phương tiện để nâng cao ý thức chấp hành luật của người dân. Khi người tham gia giao thông đã có nhận thức đẩy đủ và tuân thủ theo luật định, khi đó khung hình phạt trên chỉ mang tính hình thức.

- Có ý kiến e ngại việc xử phạt càng cao thì CSGT lại dễ “nhũng nhiễu” người dân, hoặc xảy ra hiện tượng người vi phạm 'lót tay' cho CSGT?

Xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Dân nghiêm túc chấp hành, CSGT không dám nhận 'lót tay' - 2

nguyen van quy.jpg

Hiện tượng CSGT "nhũng nhiễu” hay “lót tay” không thể xảy ra khi người dân hiểu luật và nghiêm túc chấp hành luật giao thông.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ

Những hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân sâu xa và tác động không nhỏ tới xã hội. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiện tượng "nhũng nhiễu” hay “lót tay” không thể xảy ra khi người dân hiểu luật và nghiêm túc chấp hành luật giao thông.

Khi người dân đã tuân thủ luật định, không có lý do gì CSGT “nhũng nhiễu” được.

Trong trường hợp, người dân không nắm rõ luật và vi phạm quy tắc giao thông, chắc chắn sẽ bị xử phạt theo pháp luật.

Và khi bị xử phạt hành chính, người dân cũng nên thực hiện đúng theo quy định (tránh việc thỏa hiệp, “chung chi”), tức là nộp phạt theo đúng số tiền và thời gian đã nêu trong luật.

Như vậy, có thể ngăn ngừa được hành vi “lót tay” CSGT.

Nếu tất cả người tham gia giao thông thực hiện đúng luật, đúng trách nhiệm của người công dân thì hiện tượng tiêu cực trên sẽ không thể xảy ra.

- Tuy nhiên trên thực tế, không ít người vi phạm chọn cách 'dúi' tiền cho CSGT để được xử nhẹ, và cũng không ít trường hợp CSGT dựa vào luật để "nhũng nhiễu". Vậy có cơ chế nào để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trên? 

Như tôi đã nói, về phía người dân, cần tìm hiểu các quy định pháp luật hiện hành và nghiêm túc tuân thủ luật giao thông khi điều khiển phương tiện. Việc người tham gia giao thông khi vi phạm thì “chạy chọt”, “xin xỏ”... có thể sẽ dẫn đến hiện tượng "chung chi" tiêu cực.

Đối với lực lượng CSGT, cần phải tuân thủ quy định về tác phong, tư thế, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ trong thực thi công cụ. CSGT phải luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn kỷ cương phép nước. Từ đó, lấy được lòng tin của người dân đối với lực lượng thực thi công vụ, góp phần đưa quy định mới của Chính phủ đi vào đời sống nhân dân.

Tôi cho rằng, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và nặng nè đối với lực lượng thực thi công vụ.

Về cơ chế chống hành vi “nhũng nhiễu”, “chung chi”, tôi cho rằng tất cả những điều lệ ngành đối với CSGT là điều kiện tốt nhất để giám sát những hành vi tiêu cực trên. Ngoài ra, số điện thoại đường dây nóng của Cục CSGT và Công an Hà Nội là nơi tiếp nhận các ý kiến phản ánh, góp ý của người dân tới cơ quan chức năng, nhằm xử lý các trường hợp sai phạm của CSGT.

Hơn bao giờ hết, chúng ta phải lấy tinh thần thượng tôn pháp luật đặt lên trên hết. Mọi người dân cần nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và có ý thức kiểm tra, giám sát cơ quan CSGT thực thi công vụ.

Tôi cho rằng, cơ chế giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT là công việc thường xuyên, liên tục. Đó là quyền, trách nghiệm và nghĩa vụ của công dân được pháp luật quy định. Khi phát hiệu hiện tượng “nhũng nhiễu”, xử lý không đúng, người dân và kể cả người bị xử phạt có thể liên lạc tới các đường dây nóng để phản ánh vụ việc.

- Theo đánh giá chung, Nghị định 100/2019 được đông đảo xã hội đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chưa đồng tình, luôn tìm lý do để ngụy biện, thưa ông?

Mọi vấn đề trong xã hội đều có hai mặt, không thể tuyệt đối hoàn toàn được. Do đó, những người có nhận thức tích cực thì ủng hộ, còn một số ít chưa hiểu hết được lợi ích của quy định mới thì chưa đồng tình.

Đối với những người tham gia giao thông, cần chủ động trước việc uống rượu bia và phòng tránh các nguy cơ tai nạn có thể xảy ra. Đó là điểu mà bản thân mỗi người cần nhìn nhận để đảm bảo an toàn cho chính mình.

Mọi lý do giải thích về lỗi vi phạm giao thông như: thăm mẹ ốm, mừng cưới bạn bè, liên hoan cơ quan... chỉ là ngụy biện. Khi người ta có ý thức chấp hành an toàn giao thông cho chính mình và cho những người xung quanh, họ sẽ có cách sắp xếp sao cho phù hợp.

Do đó, chúng ta phải có biện pháp xử phạt thật nghiêm đối với những người chống đối lại quy định trên, kể cả những trường hợp không chấp hành việc CSGT kiểm tra nồng độ cồn, hay cản trở việc kiểm tra, kiểm soát.

Xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Dân nghiêm túc chấp hành, CSGT không dám nhận 'lót tay' - 3

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng, hiện tượng CSGT "nhũng nhiễu” hay “chung chi” không thể xảy ra khi người dân hiểu luật và nghiêm túc chấp hành luật giao thông.

Tôi cho rằng, đã có luật cấm rồi, thì không nên cố ý làm trái quy định chung của xã hội, cũng đừng nên đưa ra các lý do này nọ, để giải thích chống chế. Vì điều này liên quan đến ý thức tiến bộ của con người và thường được coi trọng ở các nước phát triển.

Ở nhiều quốc gia tiên tiến, hành vi uống rượu bia vẫn lái xe có thể bị phạt rất nặng, thậm chí là bị bỏ tù. Do đó, việc tăng hình phạt lần này của chúng ta là việc làm cần thiết để thúc đẩy tiến bộ xã hội .

Luật ban hành là nhằm giữ gìn sức khỏe, tính mạng và tài sản cho chính người tham gia giao thông, cho gia đình và toàn xã hội.

- Áp dụng điều luật mới với mức phạt được cho là nghiêm khắc, lực lượng CSGT chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng uống rượu bia vẫn lái xe?

Đây là quy định mới được ban hành và áp dụng vào đời sống nhân dân, do đó lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn và áp lực trong quá trình xử lý. Rõ ràng, lực lượng chức năng phải làm việc khách quan và xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm đó.

Có một số trường hợp người tham gia giao thông chưa hiểu luật nên tỏ thái độ không chấp hành, không hợp tác và cố tình cản trở CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Trong hoàn cảnh này, CSGT phải bình tĩnh giải thích và hướng dẫn luật tới người tham gia giao thông, để họ nhận thức sâu sắc hơn về quy định mới.

- Để Nghị định 100/2019 đi vào cuộc sống và và lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan chức năng cần làm gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin đại chúng, để quy định 100/2019 được phổ biến rộng rãi hơn trong quần chúng nhân dân. Từ đó, giúp người dân nhận thức đúng đắn và hiểu rõ lợi ích của quy định mới.

Luật ban hành ra là vì an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản cho chính người điều khiển phương tiện, cũng như bảo đảm an toàn cho những người tham gia gia giao thông khác. Thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp lái xe sử dựng rượu bia gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho toàn xã hội, cướp đi sinh mạng nhiều người đi đường. Do đó, đã đến lúc chúng ta tuyên chiến mạnh mẽ, đẩy lùi vấn nạn này.

Tất cả quy định là nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho chính bản thân người tham gia giao thông, sau đó là cho người thân, gia đình họ. Tai nạn giao thông có thể cướp đi một sinh mạng con người, nhưng sẽ để lại hệ lụy cho gia đình và xã hội. Đó là điều mà chúng ta cần tuyên truyền cho người nhân hiểu và thực hiện tốt luật định.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Tuấn(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn