• Zalo

Xã nghèo nợ hơn 400 triệu đồng vì lãnh đạo trót 'vung tay quá trán'

Thời sựThứ Hai, 03/10/2016 11:22:00 +07:00 Google News

Việc UBND một xã thuần nông ở huyện Ba Vì nợ tiền vài trăm triệu đồng và vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xin lãnh đạo tỉnh Hải Dương 310 triệu đồng để trả tiền… tiếp khách đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thời gian gần đây.

Đau đầu vì tìm nguồn trả nợ

Tiếp chuyện phóng viên Tiền Phong cuối tháng 9/2016, ông Phùng Trần Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) xác nhận đang có đoàn thanh tra liên ngành của huyện Ba Vì xuống làm việc liên quan đến việc UBND xã nợ hàng trăm triệu đồng tiền ăn uống ở nhà hàng, may trang phục cho đại biểu HĐND và đi du lịch.

“Tiền nợ nhà hàng khoảng 200 triệu, tiền may trang phục nợ khoảng 60 triệu, còn đi du lịch nợ khoảng 145 triệu”, ông Ngọ nói.

Trụ sở UBND xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội).

Trụ sở UBND xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội).

Nhận chức Chủ tịch UBND xã từ tháng 7/2015, có thể nói, ngoài nhiệm vụ hàng ngày, việc khiến ông Ngọ đau đầu nhất là tìm nguồn tiền để trả cho số nợ từ nhiệm kỳ trước.

“Đã là quy luật rồi, kế nhiệm thì phải xử lý thôi. Bây giờ phải chờ kết luận thanh tra, sai đâu thì xử đấy. Nếu có dấu hiệu vi phạm cá nhân thì xử lý cá nhân, tập thể thì xử tập thể theo quy định của pháp luật”, ông Ngọ chia sẻ.

Theo ông Ngọ, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Thái là ông Phùng Trần Anh – người có trách nhiệm trong những khoản nợ này, sau khi được “luân chuyển” xuống làm Trưởng công an xã đã bị đình chỉ công tác phục vụ công tác thanh tra.

Ông Ngọ phân trần, số tiền nợ ở cửa hàng ăn uống khoảng 200 triệu là do tổ chức lễ hội.

“Địa phương có tập tục 5 năm làm lễ hội một lần. Năm 2015 có 4 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia, 2 di tích cấp sở. Ở làng, xã được công nhận di tích quốc gia, tổ chức lễ hội thì đặt cơm nhà hàng mời khách. Chẳng lẽ mời con em địa phương về lại không cho ăn cơm”, ông Ngọ nói. 

Theo ông Ngọ, tổ chức lễ hội có ai là không muốn rầm rộ, hoành tráng. “Nhân dân đóng tiền mổ lợn, mổ gà, chỗ này mổ, chỗ kia chia nhau ăn chuẩn bị cho lễ hội. Họ cũng rất hào hứng phấn khởi. Nếu mở lễ hội úi xùi quá theo phương thức tiết kiệm thì họ không thích, nhưng nếu tốn là kêu. Cơ bản vẫn là lãnh đạo tìm nguồn để trả, trả được thì sẽ xong tất, còn không trả được thì nợ, người dân nhìn vào…”, ông Ngọ nói.

Sau khi tổ chức lễ hội, theo ông Ngọ, số tiền con em địa phương và du khách công đức để dành trùng tu di tích chứ không để tổ chức lễ hội nên không cân đối được chi phí bỏ ra tổ chức.

Ông Ngọ thông tin, xã Đồng Thái là thuần nông, không có doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, nguồn thu ít, toàn sử dụng ngân sách.

Tuy vậy, trong giai đoạn 2013 - 2014, UBND xã nợ số tiền du lịch lên đến 145 triệu đồng, rồi nợ tiền may trang phục cho đại biểu HĐND khoảng 60 triệu đồng.

“Đi du lịch thì bây giờ cơ quan nào chẳng thế. Cơ quan các anh cũng tổ chức một hai lần một năm chứ? Chẳng có cơ quan nào là không cả. Cái chính là không tìm ra nguồn thu nên cứ nợ thêm lên”, ông Ngọ nói.

Vung tay quá trán?

Thời gian gần đây, dư luận tỉnh Hải Dương cũng xôn xao về việc Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hải Dương vừa có tờ trình xin lãnh đạo tỉnh cấp bổ sung 310 triệu đồng để trả nợ vì… tiếp khách.

Tờ trình này nêu rõ, do đột xuất có nhiều tỉnh đến thăm, trao đổi kinh nghiệm với UBKT Tỉnh ủy Hải Dương như: Hậu Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Lâm Đồng, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh và một số Vụ của UBKT Trung ương… nên đơn vị không có đủ kinh phí để đón tiếp.

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong một số cán bộ, công chức ở Hải Dương bảo đây là nỗi xấu hổ của tỉnh nhà khi quan chức vung tay quá trán, nợ tiền ăn uống rồi đưa cả tên các đoàn khách đến thăm vào công văn.

“Liệu sau này còn ai dám đến thăm Hải Dương nữa. Với lại, mức sống ở Hải Dương cũng không quá cao, tại sao lại nợ nhiều như vậy”, một cán bộ ở Hải Dương đặt câu hỏi.

Phóng viên Tiền Phong cũng đã liên hệ với một số lãnh đạo UBKT các tỉnh được nêu trong công văn. Lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình cho rằng, việc này nên trao đổi lại với phía Hải Dương, trong khi đó, một lãnh đạo UBKT tỉnh khác thì phủ nhận việc đến thăm và làm việc với Hải Dương.

“Thời gian vừa qua chúng tôi không về Hải Dương. Họ nói, họ đưa vào công văn thì kệ họ chứ. Chỉ có họ ra đây thôi”, người này nói.

Được biết, căn cứ vào Tờ trình của UBKT tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển có bút phê yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

Sau đó, ngày 5/9, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản do ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh ký gửi Sở Tài chính với nội dung giao Sở Tài chính xem xét cụ thể, tham mưu trình UBND tỉnh về vấn đề này.

Để tìm hiểu thêm, phóng viên Tiền Phong đã nhiều lần gọi vào số điện thoại của ông Bùi Hữu Uyển, Chủ nhiệm UBKT tỉnh Hải Dương nhưng không liên hệ được. Phóng viên cũng đến trụ sở UBKT Tỉnh ủy Hải Dương để liên hệ công tác, đặt lịch làm việc nhưng không có phản hồi.

Video: Đồng Nai: Cán bộ nâng khống phần ăn của học viên cai nghiện

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn