Vào tháng 10/2019, Lực lượng an ninh Jordan từng bất ngờ ập vào nhà của luật sư Moayyad al-Majali. Ông al-Majali bị bắt và bị tịch thu các thiết bị lưu trữ tài liệu vì phạm phải một trong những tội nghiêm trọng nhất của vương quốc Jordan.
Tội ác của ông là vu khống người cai trị đất nước, Đức Vua Abdullah II, chỉ bằng một câu hỏi duy nhất : Nhà Vua sở hữu bao nhiêu đất?
Ở một đất nước được hỗ trợ tài chính quốc tế lên đến hàng tỷ USD – vậy mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng gần gấp đôi trong vòng 7 năm qua - chủ đề này được coi là vô cùng nhạy cảm.
Hôm 3/10, Hồ sơ Pandora được công bố, trong đó chứa hàng triệu tài liệu tiết lộ bí mật về các giao dịch và tài sản ở nước ngoài của hơn 100 tỷ phú, 30 nhà lãnh đạo và 300 quan chức trên thế giới, bao gồm Vua Abdullah II của Jordan.
Theo hồ sơ, vị Vua Ả Rập đã dành hàng thập kỷ để tích lũy một đế chế bất động sản xa xỉ trị giá hơn 100 triệu USD, trải dài từ đỉnh núi Malibu, California, qua Washington DC. đến London. Đế chế xa hoa này được xây dựng trong bí mật: ông đã ngụy tạo quyền sở hữu của mình thông qua một loạt công ty nước ngoài được thành lập tại quần đảo Virgin của Anh (BVI).
Đáng chú ý là số tài sản trị khổng lồ được nhà vua Jordan mua lại ngay trong thời điểm Jordan nhận được gấp bốn lần viện trợ kinh tế và quân sự từ Mỹ. Trong khi đó, công dân quốc gia nghèo tài nguyên này vẫn phải thắt lưng buộc bụng, sống dựa vào gói cứu trợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thực hư nghi vấn dùng tiền viện trợ mua bất động sản?
Việc sử dụng các công ty nước ngoài để mua tài sản vốn không phải là bất hợp pháp. Đôi khi, những người nổi tiếng buộc phải làm như vậy để bảo vệ quyền riêng tư hoặc bảo mật thông tin. Nhưng sự tiện lợi và tính bảo mật cao mà hệ thống này trao cho những người giàu có cũng có thể mở ra cánh cửa cho hoạt động rửa tiền.
Nhà vua Jordan cũng đang đối mặt với cáo buộc về vấn đề này, nhất là khi ông có động thái chặn trang web của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) chỉ vài giờ trước khi Hồ sơ Pandora được công bố.
Có lẽ món đồ lộng lẫy nhất - và chắc chắn là đắt nhất - trong số những tài sản xa xỉ của nhà vua được tiết lộ trong Hồ sơ Pandora là một tòa dinh thự lớn trên đỉnh vách đá trên bờ biển Malibu của California. Tòa nhà được mô tả “giống như một khách sạn nghỉ dưỡng” gồm 26 phòng với tầm nhìn ra bờ biển. Nơi này còn có giá trị tinh thần cao do đây là địa điểm quay cảnh cuối trong bộ phim nổi tiếng “Đại chiến hành tinh khỉ” năm 1968.
Hồ sơ Pandora tiết lộ, tòa dinh thự được Abdullah mua vào tháng 8/2014 với giá 33,5 triệu USD - mức giá kỷ lục đối với bất động sản trong khu vực. Sau đó, nhà vua liên tiếp mua lại hai khu kiến trúc lân cận. Hai năm trước, Abdullah mua tiếp 3 căn hộ chung cư ở Washington DC với tổng giá trị 13,8 triệu USD.
Các tài liệu cũng tiết lộ cách vua Jordan bí mật mua lại danh mục đầu tư gồm 7 tài sản bất động sản sang trọng ở Vương quốc Anh. Số tài sản được mua từ năm 2003 đến năm 2011, ước tính có giá trị thị trường khoảng 28 triệu bảng Anh (khoảng 37,9 triệu USD).
Cùng thời gian nhà vua ném tiền vào những món bất động sản xa hoa, Jordan nhận được viện trợ 100 triệu bảng Anh (khoảng 135,6 USD)/năm từ Vương quốc Anh.
Mặc dù không có bằng chứng về bất kỳ hành vi sai trái nào, và nhà vua đính chính rằng số tài sản trên thuộc sở hữu của cá nhân ông, thì việc tiêu xài phóng tay như thế trong thời điểm đất nước nhận một khoản trợ cấp lớn vẫn làm dấy lên nghi ngờ về sự thanh bạch của Abdullah.
Trước nghi vấn đó, bản thân nhà vua và đại sứ quán Jordan tại Washington vẫn giữ im lặng. Tuy nhiên, các luật sư của nhà vua đã lên tiếng thanh minh: “Bệ hạ không hề lạm dụng tiền công hoặc sử dụng bất kỳ khoản tiền nào thu được từ viện trợ để sử dụng cho cộng đồng… Ngài quan tâm sâu sắc đến Jordan và người dân của mình, Ngài luôn hành động một cách chính trực vì lợi ích của đất nước và công dân Jordan".
Nghi vấn chi tiền để mua nơi trú ẩn cho bản thân
Phần lớn các giao dịch đáng ngờ được đề cập trong Hồ sơ Pandora diễn ra trong thập kỷ Jordan gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vua Abdullah đã hai lần phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng đối với sự trị vì của ông.
Sự kiện đầu tiên là loạt các cuộc biểu tình thuộc phong trào "Mùa xuân Ả Rập" vào năm 2011. Trong đó, nhà vua Abdullah và vợ ông, hoàng hậu Rania, bị công khai cáo buộc vì hành vi "đánh cắp" đất nước. Tuy phong trào này đã bị trấn áp mạnh tay, nhưng các mốc thời gian được tiết lộ trong Hồ sơ Pandora đặt ra nghi vấn về việc quốc vương rất có thể đã cố mua một nơi trú ẩn an toàn ở nước ngoài cho bản thân hoặc tài sản cá nhân.
Thách thức thứ hai là âm mưu đảo chính bị cáo buộc hồi tháng 4 năm nay do Hamzah, anh trai cùng cha khác mẹ của Abdullah, khởi xướng. Hamzah đã giành được sự chú ý và ủng hộ ở Jordan bằng cách công khai chỉ trích chính phủ tham nhũng và hứa hẹn sẽ nỗ lực cải cách nền kinh tế quốc gia, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân. Vào lúc này, Mỹ đã rót một khoản viện trợ tài chính lớn vào Jordan nhằm củng cố địa vị của Abdullah - một nhà cai trị thân thiện với phương Tây.
Thống kê ngân sách gần đây nhất của Jordan cho thấy quốc gia này chi 35 triệu USD mỗi năm từ công quỹ để bảo trì các cung điện hoàng gia. Tuy nhiên, nhà vua hoặc các thành viên hoàng gia khác không nhận được khoản lương nào từ quốc gia. Điều này củng cố thêm nghi vấn về số tài sản của ông Abdullah mà các luật sư cho biết là thu được “từ các nguồn cá nhân”.
Việc giấu kín chi tiết về các giao dịch mua bán trong cũng cho thấy bản thân nhà vua thừa hiểu rằng chúng sẽ khiến ông khó xử về mặt chính trị.
Nhà vua không phải nộp thuế
Việc vua Abdullah II che giấu chi tiêu một phần là để bản thân phù hợp với điều kiện kinh tế ở đất nước được mô tả là "cực kỳ khó khăn”: Jordan là một nước nghèo. Theo số liệu năm 2020, khoảng 1/4 người Jordan thất nghiệp, quốc gia này phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng trong ba thập kỷ qua để đổi lấy quyền tiếp cận các khoản vay của IMF. Chính vua Abdullah, người vừa bị công khai số tài sản bí mật khổng lồ, đã thúc đẩy chính sách này.
Trong quá khứ, nhà vua đã thúc đẩy các đợt tăng thuế liên tiếp và cắt giảm trợ cấp bánh mì, điện và nhiên liệu cho người dân. Đồng thời, chính phủ Jordan cũng phát động một chiến dịch nhằm dẹp bỏ các gian lận thuế nhằm kiềm chế nợ công.
Để biện hộ cho hành động của nhà vua, các luật sư của ông chẳng đưa ra được lập luận thuyết phục nào khác ngoài: “Theo luật của Jordan, nhà vua không phải nộp thuế”.
Bình luận