• Zalo

Vụ máy bay rơi: Đau lòng gia cảnh các chiến sỹ

Sức khỏeThứ Tư, 09/07/2014 10:14:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tại viện Bỏng Quốc gia, còn 3 chiến sỹ đang được điều trị tích cực, gia cảnh 3 anh đều có con nhỏ, vợ mang bầu chờ sinh.

(VTC News) - Tại viện Bỏng Quốc gia, còn 3 chiến sỹ đang được điều trị tích cực, gia cảnh 3 anh đều có con nhỏ, vợ mang bầu chờ sinh, nhiều tấm lòng đang hướng về các anh, mong các anh bình phục.

Niềm hy vọng lớn lao

3 chiến sỹ bị thương đang điều trị tại  Bệnh viện Bỏng Quốc gia. Trước đó sáng ngày 7/7, Bệnh viện đã tiếp nhận 5 chiến sĩ bị thương nặng trong vụ máy bay rơi, đến sáng ngày 8/7 do bị thương khá nặng nên 2 trong số 5 người bị thương đã không qua khỏi. Hiện ba chiến sỹ còn lại đang được các bác sĩ viện Bỏng quốc gia tập trung cứu chữa tại khu vực điều trị cách ly.


Chiến sỹ sống sót trong vụ máy bay rơi đang được điều trị cách ly tại viện Bỏng Quốc gia.
Ngồi bần thần ở hàng ghế tầng 1, Viện Bỏng quốc gia, anh Nguyễn Văn Bính là anh trai của chiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1981, ở Bắc Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin em trai ruột của mình bị tai nạn máy bay trong khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện.

“Khi ấy, thím dâu (chị Lèo Thị Trang, vợ anh Tuấn-PV) gọi điện thông báo vừa bị nổ máy bay, có năm chiến sĩ bị thương, chồng nó vẫn chưa tìm thấy. Tôi như rụng rời chân tay. Thím ấy cũng khóc nấc không nói thành tiếng. Gia đình lập tức thu xếp lên Hà Nội luôn”, anh Bính buồn bã kể lại.

Theo anh Bính, anh Tuấn mặc dù đang bị bỏng 74%, bỏng sâu 65% độ III nhưng “gia đình tôi cũng còn may mắn hơn 18 gia đình có chiến sĩ hy sinh”.

“Đây là sự không may xảy ra, không ai mong muốn cả, nhưng vì Tổ quốc, vì nhân dân để giữ sự bình yên cho đất nước thì sự hi sinh đó làm gia đình cũng cảm thấy an ủi phần nào” – anh Bính kể.

Anh Bính cho biết chị Trang, vợ anh Tuấn đang mang bầu cháu thứ hai, khoảng hai tuần nữa là sinh, khi biết tin chồng bị thương nặng cũng muốn lên, nhưng gia đình không cho vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chia sẻ về chiến sỹ Tuấn, anh Bính cho biết sau khi học xong lớp 12, Tuấn xung phong đi bộ đội, sau đó được cử đi học và làm lính đặc công.

“Gia đình chỉ có mong muốn, qua được cơn nguy kịch này, kể cả về nhà không làm ăn được gì nhưng có bố, có mẹ là chỗ dựa cho các cháu, các cháu đỡ khổ” – anh Bính nghẹn ngào.

Được biết, chị Trang đang làm nhân viên văn thư ở một trường học, với đồng lương ít ỏi. Ngoài ra, chị vẫn cấy 2 xào lúa và trồng vải, cam. Do anh Tuấn công tác xa nhà nên cũng rất vất vả vì nhà neo người, một mình chị đảm đương, quán xuyến công việc gia đình.

Một đồng đội của anh Tuấn cho biết anh Tuấn là một người rất giỏi và đạt nhiều giải cao trong các hoạt động của đơn vị. Những đồng đội trên chuyến bay huấn luyện hôm đó là những chiến sĩ ưu tú nhất của đơn vị.

Còn ông Nguyễn Minh Ngoãn, bố của chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1981 ở Thái Bình) bị bỏng 52% cơ thể, độ sâu 35%, cho biết  sau 12 năm học, Hoàng Anh nhập ngũ và ở lại quân đội.

Hoàng Anh có nhiều thành tích cao, nhận được giấy khen của Bộ Quốc phòng. “Tôi chỉ mong ước làm sao còn người là tốt nhất, mong cháu được các thầy thuốc, y bác sĩ chăm sóc để giành lại mạng sống cho cháu. Tôi rất tự hào về cháu, đối với gia đình, dòng họ và bà con hàng xóm mọi người ai cũng khen gợi” – ông Ngoãn chia sẻ.

Cũng là người nhà lên viện chăm chiến sỹ bị thương nặng, ông Trịnh Văn Hảo, cậu của chiến sỹ Đinh Văn Dương (32 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) không giấu nổi nỗi xót xa.

Ông kể: Vợ Dương là Nguyễn Thị Hải làm hộ lý ở viện 108. Chiến sỹ Dương thuộc tiểu đoàn Đặc công 18 - Bộ Tư lệnh Thủ đô. Dương có 1 con gái 4 tuổi, và 1 cháu nữa đang đợi sinh.

Sau khi nhận được tin Dương bị thương, mẹ của anh đã vội vã lên thăm nhưng bệnh viện vận động không nên vào vì anh đang được chăm sóc vô trùng.

Ông Hảo nói: Gia đình tôi mừng lắm vì thấy bác sỹ nói sức khỏe cháu có tiến triển. Gia đình tôi cầu mong y bác sỹ chạy chữa cho cháu để cháu được về nhà.

Hay tin con trai duy nhất ra đi, mẹ già gục ngã

Căn phòng thuê tạm chưa đến 10 mét vuông là nơi trú ngụ cho gia đình 4 người của Đại uý Nguyễn Đào Hồng Tâm, Trưởng bộ môn giáo viên dù hàng không, khiến bất kỳ ai ghé thăm cũng thấy mủi lòng.

Bộ trưởng Y tế thăm hỏi động viên người nhà chiến sỹ điều trị tại viện Bỏng. 
Đồ đạc trong nhà rất thô sơ, bộ đồ giá trị nhất chỉ là chiếc tivi đời cũ cùng giá sách và những album ảnh kỷ niệm.
Bà Đào Thị Hạnh, mẹ của Đại uý Tâm gục ngã trước tin con trai duy nhất của mình đã chết.

Từ năm 37 tuổi, chồng bà đã ra đi, bỏ lại cho bà nuôi 3 đứa con với tất cả những khốn khó. Những tưởng khi Tâm- con trai cả trưởng thành, đã đến lúc được “hái quả ngọt” thì xảy ra cơ sự này.
 

“Tôi có mình nó làm chỗ dựa. Bố nó chết, mình tôi nuôi 3 con giờ vẫn chưa thoát nợ nần. Giờ không biết làm sao để sống tiếp đây”, bà Hạnh nghẹn ngào khóc.

Vợ của Đại uý Tâm, chị Vũ Thị Phượng cũng không nén được đau thương vì hoàn cảnh bi đát quá. “Nhà ở quê xa, mới về đây thuê được 2 năm với giá hơn 2 triệu/tháng.

Trước đây, bọn em còn thuê nhà chỉ có 900.000 đồng/tháng. Hai vợ chồng bảo phải cố gắng hơn vì gia đình. Không ngờ anh ấy lại bỏ mẹ con em lại như thế này”, chị Phượng bật khóc.

Chị là giáo viên cấp 2, hai vợ chồng đã có hai cháu, cháu lớn 9 tuổi học lớp 3, cháu nhỏ mới chưa đầy 15 tháng. “Khổ nhất là bọn trẻ con, các cháu rất “bám” bố. Cháu bé thì chưa biết gì nhưng cháu lớn là Nguyễn Đào Hồng Lan 9 tuổi, 2 hôm nay gửi ở nhà người quen, cháu luôn miệng hỏi: Bố đi bao giờ về?”. Nói tới đây chị Phượng không kìm được, bật khóc.

Một người chú của anh Tâm cũng cho hay, hoàn cảnh gia đình Đại úy Tâm đang khó khăn. Tâm là con cả trong gia đình, tốt nghiệp lớp 12 thì thi đỗ phi công và làm từ đó đến nay. Mong muốn của gia đình là các cháu có một nơi để ở tạm. Bố mất rồi giờ khoản thu nhập chính không còn, gia đình sẽ không biết xoay xở thế nào.

Với trường hợp của Trung uý chuyên nghiệp, chiến đấu viên Đỗ Văn Năm (SN 1983), anh là đặc công của Bộ tư lệnh Thủ đô.

Quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, nhà có 3 anh em, Trung uý Năm là con út. Vợ của anh Năm là chị Nguyễn Thị Thường là giáo viên mầm non tư thục.

Anh chị đã có 1 cháu năm nay 3 tuổi rưỡi. “Điều đau lòng là anh trai của Năm mới mất được 33 ngày. Bố đau yếu, mẹ viêm đa khớp năm liệt giường 10 năm nay, mới vịn tường đi lại được.

Cho nên, ngoài chi tiêu trang trải cho gia đình, Trung uý Năm vẫn phải dành tiền để trợ cấp cho bố mẹ ở quê”-anh Đỗ Văn Quốc, anh trai của Trung uý Năm kể.

Tương tự, trường hợp Thượng tá Hoàng Lại Long- là phi công trực tiếp điều khiển chiếc máy bay tai nạn.

Anh Long (quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã trong quân ngũ được 38 năm. Bà Bùi Thị Nhạn, mẹ vợ anh Long kể, hết cấp 3 thì nhập ngũ và làm đến nay.

Đến năm 41 tuổi anh Long mới lấy vợ (kém 18 tuổi) và đã có với nhau 2 đứa con. “Trước khi bị tai nạn, thằng Long mới gọi điện về nói tạm ứng lương trước để gửi về cho vợ chữa bệnh.

Khổ thân nó vừa gửi tiền về cho vợ thì chết”, bà Nhạn khóc. Theo bà Nhạn và những người anh em kể, anh Long rất hiền lành, yêu nghề, thương mọi người. Đi đâu cũng được quý mến.

Vợ anh Long là chị Hoàng Hồng Thanh (SN 1977) cho biết, hai vợ chồng với hai con, cháu lớn 13 tuổi, cháu bé 7 tuổi.

“Tuần trước anh Long cho con nhỏ lên đơn vị xem máy bay xong, về nhà nói: Anh chẳng có dịp gặp con, lần này đưa con lên, ngắm con thấy yêu thế. Lần sau anh không mắng chửi con nữa”-chị Thanh ngân ngấn nước mắt hồi tưởng. Nguyện vọng của chị và gia đình là muốn được vào làm trong đơn vị của chồng, sớm ổn định để có điều kiện chăm sóc con cái.

Đại tá Nguyễn Văn Tám, Chủ nhiệm phòng không, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội bày tỏ: “Đại đa số quân nhân có gia đình khó khăn. Qua đây thấy được tinh thần trách nhiệm của anh em, vượt qua mọi khó khăn vì trách nhiệm của người lính, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay”.

Chiều 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các chiến sĩ đang điều trị tại Viện bỏng quốc gia.

Đại tá, PGS-TS. Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện bỏng quốc gia cho biết ba đồng chí bị bỏng sâu, diện bỏng lớn, ngoài ra còn bị đa chấn thương, đặc biêt là tổn thương ở phổi do ảnh hưởng của vụ nổ.

Những trường hợp này tiên lượng khó vì tổn thương thứ phát rất khó lường. “Tuy nhiên, bệnh viện cố gắng bằng tài lực, trí lực, vật lực làm hết sức mình, cố gắng bằng mọi giá cứu sống các chiến sĩ bởi bản thân chúng tôi cũng hết sức xót xa” – ông Tiến nói.


» Rơi máy bay ở Hòa Lạc: Hộp đen Mi-171 cũng trục trặc
» Video: Nỗ lực cứu nạn nhân vụ trực thăng Mi-171 rơi
» Cuộc sống đáng mơ ước của người lính dù vừa hy sinh
» Thước phim về người lính hy sinh trên máy bay Mi-171
» Vụ máy bay rơi: Ba chiến sĩ đang được điều trị đặc biệt

Tuấn Huy

Bình luận
vtcnews.vn