• Zalo

Vụ 4 thuyền viên trôi dạt trên biển: Buộc chân vào nhau cùng sống, chết

Thời sự Thứ Bảy, 15/02/2014 05:28:00 +07:00Google News

Sau khi được chăm sóc y tế tại Trung tâm y tế huyện Hải Hậu, sức khỏe của 4 thuyền viên bị trôi dạt hơn 2 ngày trên biển đã ổn định và cả 4 người đã được đưa về với gia đình ngay trong tối ngày 14/2.

Trước đó, như đã đưa tin, vào khoảng giờ 8 giờ 15 phút ngày 12/2, tại khu vực cửa biển Ba Lạt (thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định) đã xảy ra vụ chìm tàu HP3363 thuộc Công ty TNHH Quang Dũng, do ông Hoàng Xuân Hoài (52 tuổi, trú tại xã Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định) làm thuyền trưởng.
Tàu có 5 người, đang chở 950 tấn clinker trên hải trình từ Ninh Bình đi Quảng Ninh. Vụ chìm tàu làm 4 người bị trôi dạt trên biển, mất tích. Người duy nhất thoát nạn là thuyền trưởng Hoàng Xuân Hoài. 4 người khác bị trôi dạt trên biển mất tích là gồm: thuyền phó Hoàng Văn Thụ (42 tuổi, trú tại xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, Nam Định) cùng 3 thuyền viên Lê Viết Ngải (56 tuổi, trú xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định); Hà Văn Cường (36 tuổi, trú xã Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định) và Nguyễn Văn Tuyên (50 tuổi, trú xã Nghĩa Hải, Nghĩa Hưng, Nam Định).
Công tác tìm kiếm cứu nạn được các cơ quan chức năng tích cực triển khai, tuy nhiên, phải đến trưa 14/2, 4 thuyền viên mất tích trên được ông Nguyễn Văn Tịch (trú xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, Nam Định), chủ phương tiện ND 92822 cứu vớt tại khu vực cửa Đài thuộc vùng biển Thanh Hóa. Tại thời điểm được cứu, tất cả các nạn nhân đều còn sống nhưng sức khỏe rất yếu. Ngay sau đó, các nạn nhân được đưa về Nam Định trên phương tiện của ông Tịch.
Thượng tá Trần Xuân Đãi cho biết thêm: Sau khi tàu bị đắm ở cửa biển Ba Lạt, 4 thuyền viên đã nằm trên một cái mảng, rồi cứ lênh đênh như vậy trong hơn 2 ngày liền. Cũng theo ông Đãi, các thuyền viên kể lại, có lúc để cân bằng mảng, không bị úp xuống, có người phải xuống dưới nước để cân bằng mảng.
Cũng may mặt nước biển ấm nên không bị chết rét. Họ cũng nói, vào buổi sáng trước khi được cứu (tức 14/2), sau quãng thời gian quá lâu trôi dạt trên biển, họ đã kiệt sức, tuyệt vọng, buộc chân vào nhau để nếu có chết thì sẽ chết cùng nhau. Có lúc 4 thuyền viên đã nghe thấy tiếng máy bay, nhưng người ở trên máy bay không nhìn thấy được họ.
“Họ cũng nhìn thấy 2 thuyền đi gần khu vực họ trôi dạt, nhưng không làm sao gọi, báo tín hiệu được nên 2 thuyền trên đi mất. Rất may, tàu của ông Tịch đi thẳng vào nơi 4 thuyền viên nên họ đã được cứu thoát”- Thượng tá Đãi nói thêm. Ông Đãi đánh giá sự sống sót của 4 thuyền viên là một “điều kỳ diệu”.
Sáng 15/2, trao đổi qua điện thoại, ông Mai Tiến Dũng- Chánh văn phòng UBND huyện Giao Thủy- cũng cho rằng câu chuyện của 4 thuyền viên sống sót sau hơn 2 ngày trôi dạt trên biển là một “điều kỳ diệu thực sự”. Ông Mai Tiến Dũng nói: “Khi tàu va vào cồn cát, gặp nạn, tàu không ra được nữa. Cùng với sóng, gió to khiến tàu chìm dần. Họ đã chuẩn bị quần áo rét, buộc người vào mảng và buộc dây vào tay nhau cùng một số lương thực dự trữ. Họ có mặc áo phao”.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm, trước đây, tại cửa biển Ba Lạt đã có trường hợp tàu bị chìm do va vào cồn cát. “Ở cửa Ba Lạt hay có những cồn cát di động theo dòng chảy. Vừa rồi xả nước thủy điện, nên các cồn cát di động, đi không cẩn thận là dễ gặp nạn. Năm ngoái cũng có 1 trường hợp tàu đắm tại đây”.
Chánh văn phòng UBND huyện Giao Thủy cũng nói thêm, hàng hóa trên chiếc tàu đắm là hợp pháp. Còn Thượng tá Trần Xuân Đãi nói, ước tính thiệt hại của vụ chìm tàu nên lên đến hàng tỉ đồng; và cách xử lý đối với chiếc tàu đang đắm dưới biển tùy thuộc vào nguyện vọng của chủ tàu.
Bình luận
vtcnews.vn