• Zalo

Vợ chồng 14 năm hiếm muộn, sinh con nặng 600g và 76 ngày giành sự sống cho bé

Tin tứcThứ Ba, 16/06/2020 08:25:17 +07:00 Google News

Ngày 15/6, chị Lê Thị Mai, 35 tuổi, ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, hoàn tất thủ tục đón con gái Hoàng Lê An Nhiên xuất viện về nhà.

Bé là trẻ sinh non nhất, nhẹ cân nhất được cứu sống đến nay, tại Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Ôm con gái bé bỏng ngủ ngoan trong vòng tay, chị Mai chia sẻ bé là con gái thứ hai của vợ chồng chị sau 14 năm hiếm muộn. Vợ chồng chị Mai đã có một con gái đầu lòng sau khi kết hôn. Nhiều năm sau, không hề sử dụng biện pháp tránh thai nào, chị vẫn không thể mang thai tiếp.

14 năm chờ đợi đằng đẵng, anh chị quyết định dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Lần chuyển phôi đầu tiên đã cho kết quả thành công, chị còn mang song thai. Để đảm bảo an toàn, chị thường xuyên kiểm tra, thăm khám thai kỳ cẩn thận, chu đáo.

Khi thai nhi được 26 tuần tuổi, chị có dấu hiệu chuyển dạ. Bé gái chào đời non tháng vào ngày 30/3, chỉ nặng 600 g trong tình trạng hệ thống hô hấp chưa hoàn thiện, bị suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nặng và gần như không có phản xạ. Bệnh nhi được cấp cứu ngay tại phòng sinh và được chuyển đến chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh – Trung tâm Sản Nhi ngay sau đó. Thai nhi còn lại vì thể trạng quá yếu nên không giữ được. 

"Trẻ sinh non nhẹ cân, các cơ quan chưa trưởng thành, hoàn thiện nên nguy cơ suy hô hấp, suy tuần hoàn và nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Trung tâm đã tập trung mọi nguồn lực và hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại nhất để cứu sống bệnh nhi", bác sĩ Ngô Hữu Hà, Giám đốc Trung tâm Sản Nhi, nói.

Vợ chồng 14 năm hiếm muộn, sinh con nặng 600g và 76 ngày giành sự sống cho bé - 1

 Chị Mai xúc động ngày đón con gái về nhà. 

Trong những ngày đầu, tình trạng bệnh nhi diễn biến hết sức phức tạp, luôn ở trong thế "báo động đỏ" do phổi thông khí kém, tuần hoàn liên tục phụ thuộc vào vận mạch, phụ thuộc máy thở nhiều. Bệnh nhi được nằm lồng ấp cách ly môi trường, hỗ trợ thông khí bằng máy thở, bơm thuốc surfactant thay thế (thuốc có tác dụng trưởng thành phổi), đặt đường nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rốn và duy trì thuốc vận mạch.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hậu, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết việc chăm sóc, điều trị một em bé sơ sinh sinh non, nhẹ cân là vô cùng khó khăn do các cơ quan của trẻ chưa trưởng thành đầy đủ. Chân tay của em bé chỉ nhỏ như một ngón tay của người lớn, nên việc nuôi dưỡng tĩnh mạch được cho trẻ không đơn giản. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát thân nhiệt, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng cũng có nhiều thách thức.

"Có những lúc, em bé có những cơn ngừng thở kéo dài, các bác sĩ, điều dưỡng đã phải cấp cứu rất tích cực và vất vả. Tuy nhiên em bé cũng đáp ứng khá tốt với phác đồ điều trị và dần hồi phục", bác sĩ Hậu nói.

Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhi được rút ống thở, chuyển sang thở máy không xâm nhập. Đến ngày thứ 21, bệnh nhi được cai máy thở hoàn toàn, được thở oxy và bắt đầu tập ăn, cân nặng lúc này đạt 700 gram. Đến ngày thứ 28, bệnh nhi đã có thể tự thở, được cho ăn qua sonde và không cần nuôi dưỡng tĩnh mạch, cân nặng đạt 900 gram. Sau 42 ngày điều trị tích cực trong phòng chăm sóc đặc biệt, bệnh nhi đạt cân nặng 1100 gr và được đưa ra ghép mẹ, trẻ tự thở, chỉ hỗ trợ oxy một phần, được rút sonde dạ dày và ăn sữa mẹ hoàn toàn.

Vợ chồng 14 năm hiếm muộn, sinh con nặng 600g và 76 ngày giành sự sống cho bé - 2

Em bé sau 76 ngày điều trị, từ 600 g tăng lên 2 kg.

Sau 76 ngày điều trị, bệnh nhi đạt cân nặng 2 kg, toàn trạng ổn định, cân nặng bắt kịp sự tăng trưởng, các cơ quan phát triển phù hợp với lứa tuổi nên được cho xuất viện.

"Thấy con mỗi ngày mỗi lớn là niềm hạnh phúc không gì so sánh được", anh Hoàng Văn Hữu, bố bệnh nhi xúc động nói lời cảm ơn các y bác sĩ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân dưới một kg và dưới 28 tuần thai ngày càng gia tăng. Đối với trẻ sinh non, tất cả cơ quan gan, thận, não, ruột đều non yếu. Trẻ có thể bị suy hô hấp, tử vong hoặc di chứng tàn tật suốt đời như bại não, tàn tật, giảm vận động, tăng động, bệnh lý võng mạc, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng...

Nếu được điều trị kịp thời bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại, khả năng cứu sống trẻ sinh non khá cao. Trong thời gian qua, Trung tâm Sản Nhi cứu sống cho rất nhiều trường hợp trẻ sinh non tháng, nhẹ cân, trong đó có nhiều trường hợp trẻ sinh non có cân nặng dưới một kg.

Để hạn chế nguy cơ sinh non, bác sĩ Hậu khuyến cáo các thai phụ cần thực hiện thăm khám, quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, các thai phụ cũng cần chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai với chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để giảm thiểu nguy cơ sinh non.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn