Trong giai đoạn phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, với chủ trương tối đa phục vụ bà con trong tâm dịch ở Hải Dương, Vincommerce cho biết sẽ đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu, đồng thời cam kết và bình ổn giá trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán.
Theo VinCommerce, hệ thống VinMart và VinMart+ đã tung ra các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu với giá ưu đãi, khuyến mãi từ 5 - 40%, trong đó một số thực phẩm thiết yếu được ưu đãi giá tốt như: Cá basa fillet đông lạnh giảm giá sâu tới 39%, mực ống đông lạnh giảm 21%, củ cải trắng giảm giá sâu tới 31%, cà chua giảm giá 22%.
Ngoài ra, hàng chục mặt hàng tươi sống khác cũng được giảm giá nhằm chia sẻ với khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh.
Theo Bộ Công Thương, gần đây khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh khá dồi dào do trong những ngày trước và trong Tết Nguyên đán, tình hình kinh doanh trên địa bàn rất hạn chế. Đặc biệt, Sở Công Thương tỉnh này đã phối hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hàng hóa trong các đơn vị lưu thông hàng hóa, sẵn sàng đảm bảo về số lượng chủng loại. Những vùng nào thiếu thì yêu cầu phải cung cấp ngay thông tin đầy đủ để chuyển về tỉnh, để tỉnh có kế hoạch điều chuyển tăng cường về khu đó ngay.
Trước đó, ngày 16/2, Bộ Tài chính cũng báo cáo Chính phủ về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Bộ Tài chính nhận định, giá cả thị trường trước, trong và sau Tết không có biến động lớn và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay.
Theo quy luật hằng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết mặc dù chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh. Tuy vậy, sức mua nói chung vẫn thấp hơn cùng kỳ do những ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế xã hội làm giảm thu nhập của người dân.
Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao do ảnh hưởng bởi dịch bệnh tái bùng phát cũng như người dân cũng đã mua sắm đủ trước Tết. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh và việc hạn chế tổ chức lễ hội đầu năm.
Dịp Tết, tình hình hàng hoá và giá cả ở các thành phố lớn cũng ổn định. Cụ thể, qua khảo sát của cán bộ thị trường Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tại Hà Nội, chợ Ngọc Hà đã mở cửa khá nhộn nhịp. Một số chợ khác như Nghĩa Tân Cầu Giấy, Thổ Quan Khâm Thiên… nhiều sạp hàng đã bán hàng trở lại nhưng lượng người mua bán vẫn vắng, một phần do trước Tết người dân đã mua sắm tích trữ nhiều thực phẩm và tâm lý e dè của người dân trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu mua sắm không cao. Nguồn cung thực phẩm dồi dào, giá cả nhìn chung ổn định.
Còn ở TP.HCM, giá cả các mặt hàng đa số đã giảm và trở về mức giá ngày thường. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu mua sắm hạn chế, hàng hóa dồi dào dẫn đến giá cả không biến động nhiều so với trước Tết, riêng một số mặt hàng rau, củ, quả từ Đà Lạt chuyển về tăng 10-15% do phát sinh chi phí tăng do dịp Tết. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 34-45% so ngày thường.
Bình luận