• Zalo

Viên phi công tử nạn và "chuyến bay định mệnh" của người cha anh hùng

Thời sựThứ Sáu, 21/10/2016 11:09:00 +07:00Google News

Hơn 11 năm trước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Văn Thanh (Phó trung đoàn 910) - người cha của phi công Dương Lê Minh cũng anh dũng hi sinh trên chuyến bay huấn luyện.

Mấy ngày nay, từ "xóm nhà binh" tổ 1 (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa), quê của Thiếu tá Dương Lê Minh đến Trung đoàn không quân 910 (đóng tại Nha Trang) lặng buồn, tiếc thương trước tin dữ. Thiếu tá Minh cùng 2 phi công trên máy bay trực thăng số hiệu 8632 EC-130T2 tử nạn khi thực hiện bay huấn luyện và gặp nạn ở khu vực Bà Rịa- Vũng Tàu.

hhh

 Ngày 9/1/2007, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho thượng tá Dương Văn Thanh. (Ảnh Thượng tá Thanh khi làm nhiệm vụ, ảnh tư liệu)

Theo Đại tá Phạm Văn Đông, Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân, gia đình Thiếu tá Minh có truyền thống theo nghiệp phòng không. Bản thân ba Minh là Thượng tá Dương Văn Thanh (nguyên Phó trung Đoàn 910, Quân chủng Phòng không - Không quân, giảng dạy tại Trường Sĩ quan Không quân) cũng từng là một phi công lão luyện và anh hùng.

Theo các tài liệu của Trường Sĩ quan Không quân, Thượng tá Dương Văn Thanh là giảng viên bay, sử dụng thành thạo 3 loại máy bay với hơn 2.195 giờ bay; trực tiếp đào tạo 48 phi công tốt nghiệp ra trường. Thượng tá Thanh đảm trách thành công nhiệm vụ bắn đạn thật về đề tài sử dụng rốc-két C5-KO, lắp đặt trên máy bay L-39 của Quân chủng Phòng không - Không quân. 

Ngày Thượng tá Thanh gặp nạn và anh dũng hi sinh, người con trai duy nhất của mình là Dương Lê Minh cũng đang là học viên của nhà Trường sĩ quan Không quân (niên khóa 2002-2006). Kể về chuyến bay "định mệnh" với Thượng tá Thanh, các cán bộ chiến sĩ nhà trường, Trung đoàn 910 đầy cảm phục, trước tấm gương sáng về tài trí và bản lĩnh anh dũng.

Khoảng 15h25, ngày 29/4/2005, Thượng tá Thanh cùng học viên phi công Đào Việt Hưng trên chuyến bay L-39 đang bay huấn luyện chiến đấu thì đột ngột chết máy trên không. Máy bay lao vào hướng đảo Hòn Tre, cách bờ Nha Trang khoảng 3km.  

Biết không thể nào tự khắc phục được sự cố kỹ thuật, Thượng tá Thanh khẩn báo cho Sở Chỉ huy và nhận được lệnh “cho phép đồng chí nhảy dù để thoát hiểm”. Giữa làn ranh sinh - tử mong manh, Thượng tá Thanh ra lệnh cho phi công Hưng nhảy dù, còn mình cố gắng điều khiển máy bay lướt sang trái, tránh lao vào khu du lịch trên đảo, giảm thương vong có thể xảy ra cho người dân, du khách trên đảo.

kkkk

 Ông Thẩn kể về gia đình truyền thống phi công của Thiếu tá Minh. Ảnh Trương Định

Đến khi cách đảo chừng 1km, máy bay sát xuống biển, không còn đủ độ cao để thực hiện các thao tác thoát hiểm. Theo lãnh đạo Trường Sĩ quan không quân, khi các đơn vị chức năng tiếp nhận hiện trường, mọi người phát hiện tay của Thượng tá Thanh vẫn đang nắm chặt cần lái. 

Tưởng chừng ngã khụy sau cú sốc ấy nhưng anh Minh vẫn quyết theo con đường nối nghiệp phi công.Chưa kịp viết hết những khát vọng dang dở của người cha trên bầu trời, cũng trên chuyến bay huấn luyện "định mệnh" hơn 11 năm sau, Thiếu tá Minh gặp nạn, tử vong.  

Ông Nguyễn Bá Thẩn, Tổ phó tổ 1 (phường Lộc Thọ) từng là quân nhân phụ trách kỹ thuật trên máy bay không quân từ năm 1975 ngậm ngùi: Một gia đình, hai thế hệ anh hùng.

Theo ông Thẩn, hành động hi sinh dũng cảm của ông Thanh lúc đó đã giảm thiệt hại cho người dân, du khách khu vực đảo Hòn Tre. Ông Thanh chấp nhận không nhảy dù khi máy bay gặp sự cố, mà bình tĩnh vòng trái đưa máy bay ra khỏi đảo Hòn Tre cách chừng 1km trước khi rơi xuống biển. 

“Hai bố con tính khí hiền lành, vui vẻ, ai cũng thương quý. Chưa biết nguyên nhân cụ thể vụ việc cháu Minh thế nào, nhưng tôi tin với truyền thống anh hùng, bản lĩnh của gia đình là phi công, giáo viên bay huấn luyện không quân, chắc chắn Minh cùng các phi công đã làm những gì tốt nhất có thể. Sự mất mát này ai cũng thương tiếc, khó mà bù đắp được”, ông Thẩn bộc bạch.

Video: Xúc động tiễn đưa 3 phi công máy bay trực thăng rơi ở Vũng Tàu

(Nguồn: baogiaothong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn