• Zalo

Vì sao Singapore kiềm chế hiệu quả dịch Covid-19?

Thời sự quốc tếThứ Ba, 10/03/2020 09:37:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Singapore không có chiều sâu chiến lược về diện tích nhưng nhanh chóng chặn đà lây nhiễm Covid-19 vốn rất nhanh vào lúc đầu.

Vào đầu tháng 2/2020, các quan chức y tế ở đảo quốc Singapore đã bị bất ngờ trước sự bùng phát đột ngột các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đa số các ca nhiễm khi ấy đều thuộc 2 nhóm theo đạo. Liệu có sự kết nối nào chăng?

Liên kết các dấu hiệu khả nghi

Được trang bị bản đồ hoạt động, dữ liệu theo dõi, và một cuộc kiểm tra kháng thể thử nghiệm, Bộ Y tế Singapore đã kết nối các điểm rời rạc với nhau một cách có hệ thống cho đến khi họ phát hiện ra một liên kết bị khuyết.

Đó là một cuộc tụ họp nhân Tết Nguyên Đán của người Hoa ở khu Mei Hwan Drive, nơi một nam giới 28 tuổi (được biết đến là ca 66) đã nhiễm virus SARS-CoV-2 từ một cặp đôi nhiều tuổi hơn (ca 91 và 83) – cặp đôi này đã đi nhà thờ “The Life and Missions”.

Vì sao Singapore kiềm chế hiệu quả dịch Covid-19? - 1

Người Singapore đeo khẩu trang đối phó với bệnh Covid-19. Ảnh chụp bên ngoài tòa nhà Quốc hội Singapore. (Ảnh: Yahoo News)

Ca 66 lại là một nhân viên tại nhà thờ Kitô giáo “Grace Assembly of God” và đã vô tình truyền virus cho các người khác trong các cuộc họp của nhân viên nhà thờ, và từ đây virus lan rộng ra bên ngoài, tạo thành một ổ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 lớn nhất ở Singapore.

Việc phát hiện ra liên kết này giữa các nhóm đi nhà thờ là một đột phá quan trọng xác nhận rằng virus đã được chủ yếu phát tán qua một loạt các sự kiện công khai.

Rất mạnh về theo dõi tiếp xúc

Việc “theo dõi tiếp xúc” (contact tracing) ở Singapore là rất tốt. Các nhà khoa học ở trường Y tế Công cộng của Đại học Havard (Mỹ) trong một báo cáo khoa học gần đây đã lưu ý rằng, thành bang Singapore có một hồ sơ theo dõi bệnh tật rất mạnh và khả năng của họ trong việc phát hiện các ca bệnh là cao gấp 3 lần mức trung bình của thế giới.

Quá trình này bắt đầu tại bệnh viện khi các bệnh nhân được phỏng vấn để tạo ra một bản đồ chi tiết về các hoạt động và một danh sách các tiếp xúc gần. Một quan chức của Bộ Y tế Singapore nói với báo Straits Times rằng “việc lập bản đồ rất chi tiết, 24 giờ, từng phút một, không có kẽ hở”. Thậm chí cảnh sát nước này cũng nhập cuộc để hỗ trợ theo dõi dữ liệu.

Dựa trên tấm bản đồ này, các tiếp xúc gần được nhận diện và được theo dõi hoặc cách ly để ngăn ngừa lây nhiễm  rộng. Một “tiếp xúc gần” là bất cứ ai ở trong vòng 2m tính từ người lây nhiễm hoặc dành 30 phút ở bên họ. Ngoài gia đình và bạn bè, danh sách này còn gồm những người cung cấp dịch vụ như là bồi bàn hay tài xế taxi.

Hơn 3.000 trường hợp tiếp xúc gần đã được cách ly kể từ khi quá trình theo dõi bắt đầu, và Bộ Y tế Singapore cập nhật hàng ngày về số người vẫn đang được theo dõi.

Video: Cần làm gì sau khi tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19?

Thi hành công vụ một cách cứng rắn

Việc cản trở những người thi hành nhiệm vụ theo dõi này là một tội nặng. Một cặp đôi người Trung Quốc đến từ Vũ Hán đã đối mặt với mức phạt nặng từ phạt tiền cho đến ngồi tù vì đã cung cấp thông tin giả về vị trí của họ.

Nhưng một loại virus hoạt động nhanh vẫn có thể khiến cho một hệ thống theo dõi hiệu quả các tiếp xúc có lúc bị “lệch quỹ đạo”, như với ca 91 (một phụ nữ 58 tuổi đi dự buổi tụ tập nhân dịp Năm Mới Âm lịch).

Ca 91 đã phải đi cấp cứu ở một bệnh viện công. Theo bệnh án (đã được công khai hóa), “Ca 91 đã tới khoa cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Sengkang vào đầu ngày 26/1 với các triệu chứng giống với Covid-19”.

Nhưng do bà này không đi sang Trung Quốc nên bà đã không bị kiểm tra. Chồng bà, người sau đó bị nhiễm virus này, cũng thoát việc kiểm tra. Tiến sĩ Kenneth Mak, giám đốc các dịch vụ y tế tại Bộ Y tế Singapore cho biết, các bệnh viện kể từ đó đã tinh chỉnh quy trình của mình và trở nên “cảnh giác hơn nhiều”.

Năng lực của Singapore trong việc thích ứng nhanh với một dịch bệnh là một lý do vì sao các chuyên gia y tế toàn cầu đã gọi thành quốc này là “mô hình để học tập”.

Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc WHO, nói rằng Singapore “đã lật mọi viên đá” để “tìm cho ra mọi ca bệnh, tiếp theo là giám sát tiếp xúc và chặn lây nhiễm”.

Như vậy Singapore đã sử dụng các đạo luật nghiêm khắc và áp dụng nhuần nhuyễn đồng bộ nhiều biện pháp khác như “can thiệp”, thuyết phục và động viên để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh thời kỳ hậu SARS.

Đây là một đất nước ám ảnh với việc ngăn ngừa bệnh tật. Thậm chí Thủ tướng nước này, ông Lý Hiển Long, đã đăng lên mạng xã hội Twitter dòng trạng thái với nội dung đề cập việc ông được kiểm tra nhiệt độ cơ thể hàng ngày.

(Nguồn: VOV)
Bình luận
vtcnews.vn