• Zalo

Vì sao nên có nhân viên thích 'bợ đỡ' sếp trong nhóm làm việc?

Giới trẻThứ Tư, 23/11/2022 08:37:05 +07:00 Google News

Có một sự thật là nhân viên "bợ đỡ" có thể mang lại vài lợi ích nhất định cho nhóm, như xoa dịu cơn tức giận của sếp, giúp cả nhóm thoát cảnh bị đánh giá tiểu tiết.

 
Vì sao nên có nhân viên thích 'bợ đỡ' sếp trong nhóm làm việc? - 1

Theo chuyên gia, ai cũng có khả năng trở thành nhân sự thích bợ đỡ. (Ảnh: Thirdman/Pexels)

Những người này thường lảng vảng quanh văn phòng của sếp nhằm tiện hỏi han, săn đón. Họ cố tình dành lời khen cho ai đó để ghi điểm, hoặc luôn tỏ ra nhiệt tình, sôi nổi trong mọi cuộc họp.

Nếu nhận thấy những biểu hiện tương tự ở đồng nghiệp, có thể bạn đang phải làm việc cùng những cá nhân thích bợ đỡ, cố làm hài lòng người khác, Wall Street Journal đưa tin.

Theo Michael Karson, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Denver (Mỹ), bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhân sự nịnh nọt. Ông cho rằng 80% nhân sự từng khen ngợi ngoại hình của con cái của quản lý, bất kể bọn trẻ có thực sự đáng yêu hay không.

“Thực tế, mọi cá nhân đều muốn trở thành tâm điểm ở chốn công sở”, ông Karson khẳng định.

Không nên đối đầu trực tiếp

Rick Davis, một nhà phát triển ứng dụng ở bang Massachusetts (Mỹ), thừa nhận “phát điên” với kiểu đồng nghiệp trên.

Sau nhiều năm chịu đựng, anh nhận ra nhóm này thường xuyên có hành động giả vờ thân thiện, dễ gây khó chịu. Đặc biệt, họ luôn nỗ lực quấy rối các buổi họp bằng hàng tá câu hỏi không đúng trọng tâm để thu hút sự chú ý.

Trong khi đó, Amy Gallo, tác giả một quyển sách hướng dẫn cách làm việc với nhiều kiểu người, cho rằng nhân viên bợ đỡ có thể mang lại vài lợi ích nhất định. Chẳng hạn, họ sẽ cố xoa dịu cơn tức giận của quản lý, giúp cả văn phòng thoát khỏi cảnh bị đánh giá tiểu tiết.

Vì sao nên có nhân viên thích 'bợ đỡ' sếp trong nhóm làm việc? - 2

Nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả làm việc nhóm tăng cao khi có nhân sự thích tiếp cận quản lý. (Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels)

Bên cạnh đó, nghiên cứu từ Trường kinh doanh Harvard (Mỹ) và Đại học Toronto (Canada) khẳng định nhóm nhân viên “có sức ảnh hưởng” này đôi khi sẽ giúp cải thiện năng suất làm việc.

Theo Wei Caii, đồng tác giả của nghiên cứu, nhóm có hơn một nửa thành viên là kiểu người trên thường được nhiều phản hồi tích cực hơn. Trong khi đó, số nhận xét tốt của tập thể bình thường lại thấp hơn họ 25%.

“Thực tế, đội hình lý tưởng nên có vài cá nhân bợ đỡ. Nếu chiếm đa số, họ chỉ tập trung tranh giành quyền lợi. Nhưng ngược lại, sẽ không có ai làm cầu nối với quản lý và bạn sẽ mất khi nhiều quyền lợi”, Cai cho biết.

Tuy nhiên, Gallo cũng thừa nhận nhóm đồng nghiệp này thường mang lại nhiều rủi ro hơn.

“Bạn nên đặc biệt cẩn trọng lời nói mỗi khi có mặt họ, đặc biệt là chuyện liên quan đến sếp. Nếu muốn phàn nàn, hãy gán chúng với ảnh hưởng đến công việc. Họ sẽ mách lại, song nó lại giúp bạn bày tỏ quan điểm, cũng như mong muốn cải thiện tiến độ chung”, bà nói.

Đồng thời, cá nhân cần thúc đẩy bản thân nhiều hơn để không bị các nhân viên này lấn lướt. Ví dụ, bạn hãy mạnh dạn đề xuất phương án cho các dự án, xung phong nhận vai trò phụ trách. Ngoài ra, hợp tác với một số người giỏi giang cũng là cách hay giúp bạn được chú ý một cách tích cực.

Vì sao nên có nhân viên thích 'bợ đỡ' sếp trong nhóm làm việc? - 3

Cá nhân nên cẩn trọng lời nói khi ở gần các nhân sự thích bợ đỡ. Ảnh: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Lợi ích khi kết thân

Dưới góc nhìn của chuyên gia đàm phán và giải quyết xung đột Julia Minson, không quá khó để xử lý khó khăn khi làm việc với đồng nghiệp nịnh hót. Khi rơi vào xung đột, bạn nên thẳng thắn thể hiện quan điểm, song cần giữ giọng điệu nghiêm túc, tích cực.

Nếu họ phản bác, mỉa mai quan điểm của bạn, hãy nhã nhặn cảm ơn, thể hiện mình sẽ tiếp thu ý kiến. Trong trường hợp đối tượng cố tranh công, bạn có thể cân nhắc gặp mặt và trao đổi với người phụ trách trung gian.

“Bạn sẽ chỉ khó xử, mệt mỏi hơn nếu không tính toán giải pháp phù hợp. Nếu cảm thấy vượt ngưỡng chịu đựng, hãy thử đánh trống lảng, điều hướng sự tập trung của tập thể sang vấn đề khác. Mọi người sẽ có cách hỗ trợ bạn, vì cơ bản họ cũng bất bình với thái độ của nhân viên kia”, Giáo sư Minson nói.

Vì sao nên có nhân viên thích 'bợ đỡ' sếp trong nhóm làm việc? - 4

Xây dựng liên minh với đồng nghiệp thích lấy lòng sếp là ý tưởng hay. (Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels)

Đồng thời, việc xây dựng liên minh với các đồng nghiệp này cũng là lựa chọn không tồi.

“Họ giỏi kết nối một cách đáng ngạc nhiên. Giữ họ trong vòng tròn giao tiếp, bạn sẽ được nhiều hơn mất”, chuyên gia khẳng định.

Để tăng tương tác, bạn nên nhờ họ gợi ý một số lời khuyên, chẳng hạn như cách trò chuyện xã giao, đối tượng cần liên hệ ở từng phòng ban. Bày tỏ sự tin tưởng, đánh giá cao nhóm này sẽ giúp cá nhân tin tưởng, chủ động muốn hỗ trợ bạn hơn trong trường hợp cần thiết.

“Thay vì giữ khoảng cách tuyệt đối, hãy là một nhân viên linh hoạt. Hành xử khôn khéo, phù hợp là cách để mọi người tự xây dựng môi trường công sở phù hợp với mong muốn cá nhân”, bà Grant nói thêm.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn