• Zalo

Vì sao J-10 được gọi là chiến đấu cơ của Trung Quốc có ‘trái tim’ Nga?

Quân sựThứ Ba, 15/12/2020 12:36:44 +07:00 Google News
(VTC News) -

Tiêm kích J-10 của Trung Quốc được cho là chế tạo hoàn toàn ở trong nước, song vẫn phụ thuộc một phần quan trọng vào công nghệ của Nga.

Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc lần đầu tiên được ra mắt trước công chúng cách đây 12 năm tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc (năm 2008). Theo đánh giá của các chuyên gia, loại máy bay này vượt trội so với MiG-29 và Su-27, nhưng kém hơn so với Su-30 của Nga và các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của Mỹ.

Các kỹ sư Trung Quốc cho rằng, tiêm kích J-10 được phát triển hoàn toàn ở trong nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự nói một cách bóng bẩy rằng, "trái tim Nga" vẫn đập trong lồng ngực J-10 của Trung Quốc. Bởi vì, động cơ mà tiêm kích này sử dụng là AL-31FM do Nga chế tạo.

Vì sao J-10 được gọi là chiến đấu cơ của Trung Quốc có ‘trái tim’ Nga? - 1

Tiêm kích J-10 của Trung Quốc sử dụng động cơ AL-31FM do Nga chế tạo.

Quá trình phát triển tiêm kích J-10 bắt đầu từ năm 1986, sau khi nhóm các nhà chế tạo máy bay Israel đã đến thăm Trung Quốc (nhằm giới thiệu dự án máy bay chiến đấu Lavi, một phiên bản mới của F-16). Tuy nhiên, sau 3 năm, hợp tác giữa 2 nước đã dừng lại. Các kỹ sư Israel đã từ chối việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Tuy nhiên thành quả nghiên cứu và chế tạo của tiêm kích Lavi của Israel cuối cùng lại được Trung Quốc tiếp cận và ứng dụng vào tiêm kích J-10. Năm 1993, mẫu máy bay chiến đấu cỡ lớn đầu tiên được tạo ra. Chiếc máy bay nguyên mẫu cất cánh 5 năm sau đó.

Máy bay chiến đấu J-10 tiếp tục được cải tiến cho đến năm 2004, sau đó, mới được đưa vào biên chế chính thức. J-10 trở thành máy bay chiến đấu đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tác chiến tấn công các mục tiêu trên không và trên mặt đất.

Những chiếc máy bay J-10 đầu tiên được trang bị động cơ của Trung Quốc, nhưng buộc phải tìm kiếm nguồn cung ở nước ngoài do chất lượng kém của động cơ trong nước. Sự lựa chọn của các chuyên gia Trung Quốc nhằm vào động cơ AL-31F của Nga. Cho đến năm 2005, vài chục chiếc AL-31FM cải tiến đã được chuyển giao cho Trung Quốc.

Năm 2005, Trung Quốc chế tạo thành công động cơ phản lực cánh quạt WS-10 cho chương trình máy bay chiến đấu J-11. Tuy nhiên, WS-10 không phù hợp với J-10, Bắc Kinh buộc phải quay trở lại hợp tác với Nga về nguồn cung động cơ.

Năm 2007, Nga đã chuyển giao thêm 50 động cơ AL-31FM chuyển Trung Quốc. Sau đó, các đối tác Trung Quốc đã đề nghị nâng cấp động cơ AL-31FM-1 mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, có nhiều thông tin khác nhau về chất lượng của tiềm kích J-10. Một số nhận định cho rằng, J-10 của Trung Quốc còn tốt hơn cả MiG-35 của Nga. Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia, nếu so sánh các đặc điểm của máy bay hiện đại, rõ ràng là máy bay chiến đấu Trung Quốc kém xa so với máy bay của Nga.

Phong Vũ(Nguồn: Warfiles.ru)
Bình luận
vtcnews.vn