Việc khám dinh dưỡng định kỳ cho trẻ mang lại nhiều lợi ích, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện cả về trí tuệ lẫn thể chất. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa chú trọng đến điều này, xem đây là hành động không hề quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Vì sao phải khám dinh dưỡng định kỳ cho bé?
Những năm đầu đời chính là thời kỳ quan trọng, đánh dấu sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về trí tuệ lẫn thể chất của trẻ. Đồng thời, trải qua từng độ tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ có nhiều thay đổi. Bắt đầu từ ăn sữa mẹ, sữa công thức chuyển sang ăn dặm và tăng dần độ thô của món ăn. Chính sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến thể chất của các con. Cho nên, việc khám dinh dưỡng là điều cần thực hiện định kỳ, đặc biệt là vào giai đoạn như 6 - 9 - 12 - 15 - 18 và 24 tháng tuổi.
Phụ huynh cũng sẽ dễ phát hiện ra một số vấn đề mà trẻ đang gặp phải khi khám dinh dưỡng, đây có thể là nguyên nhân gây cản trở sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, ở những trẻ đạt đủ 24 tháng tuổi trở lên thì việc khám dinh dưỡng nên được duy trì từ 1 - 2 lần/năm.
Việc khám dinh dưỡng cũng sẽ giúp phụ huỵnh kiểm tra được xem trẻ đang phát triển bình thường hay không và có xuất hiện dấu hiệu suy dinh dưỡng, béo phì, thừa cân,... Đồng thời, trẻ còn được chủng ngừa theo lịch trình vào đúng giai đoạn để giúp ngăn ngừa bệnh tật. Dinh dưỡng cũng là một yếu tố chính của chăm sóc dự phòng, cùng với việc kiểm tra thính giác và thị lực.
Theo nhiều chuyên gia, ba mẹ có thể tạo ra kế hoạch ăn uống lành mạnh cho trẻ thông qua hoạt động khám dinh dưỡng. Tìm ra giải pháp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ thấp còi, nhẹ cân, sức đề kháng kém, thừa cân, béo phì,… giúp trẻ sớm bắt kịp đà tăng trưởng so với các trẻ đồng trang lứa. Một số căn bệnh liên quan đến dinh dưỡng như rối loạn tiêu hóa, hội chứng kém hấp thu, tiêu chảy, táo bón, biếng ăn.
Cần làm khi cho bé đi khám dinh dưỡng?
Trước khi cho bé đến các cơ sở khám dinh dưỡng, phụ huynh nên theo dõi lịch sinh hoạt cũng như thói quen ăn uống hàng ngày của bé ít nhất trong 1 tuần hoặc 1 tháng gần nhất. Hãy liệt kê những loại thức ăn, cách chế biến, thời điểm, cữ sữa mà bé ăn, bao gồm cả những thực phẩm chức năng mà cha mẹ cho bé dùng,... để bác sĩ có đủ dữ kiện chẩn đoán, tư vấn và đưa ra phương pháp phù hợp.
Ngoài ra, hãy ghi lại những hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bé, bao gồm thời gian vui chơi, ngủ nghỉ, vận động mỗi ngày. Chú ý quan sát trẻ từ những hành động nhỏ nhất, vì mỗi hành động có liên quan đến trực tiếp đến suy nghĩ cũng như biểu hiện của một số vấn đề sắp xảy ra đối với con bạn.
Đồng thời, khi tiến hành thăm khám, các bậc phụ huynh có thể hỏi bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng - những người có kiến thức, chuyên môn y khoa về vấn đề mà cha mẹ quan tâm. Vì trong quá trình nuôi dạy con cái, chắc hẳn cha mẹ nào cũng có nhiều băn khoăn, thắc mắc về cách chăm sóc con mình. Cho nên, đây là một cơ hội tốt để phụ huynh có thể tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc đó.
Điều quan trọng nhất đó là phụ huynh cần phải ghi nhớ lịch tái khám như bác sĩ đã hẹn và cho trẻ đi khám đúng lịch. Nếu không thể đến đúng ngày do có việc bận, bố mẹ có thể thay đổi một chút về thời gian như đi khám sớm hơn một vài hoặc hoặc muộn hơn 1 - 2 ngày.
Bình luận