• Zalo

Vì sao các quán bia hơi Hà Nội đua nhau đóng cửa?

Thị trườngThứ Năm, 31/03/2022 07:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Được phép mở cửa trở lại bình thường như thời điểm trước khi có COVID-19, song la liệt quán bia hơi ở Hà Nội đóng cửa khiến không ít người ngạc nhiên.

Trước khi COVID-19 xuất hiện, cảnh các quán bia bủa vây mọi ngõ ngách, phố phường Hà Nội đã trở nên quá quen thuộc, trở thành "đặc sản" vỉa hè với biết bao người, đặc biệt là cánh mày râu. Nhưng hiện tại, không còn dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đó nữa. Nhiều địa điểm vốn là quán bia nay được thay bằng quán ăn nhanh, đồ nướng, cà phê, cửa hàng thời trang…

Sau một thời gian dài không được ra quán uống bia, "chém gió", anh Hoàng Quân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm đến số 2 Tràng Tiền, nơi vốn là quán bia Lan Chín mà anh hay ngồi với bạn bè. Nhưng anh bất ngờ khi quán bia quen thuộc nay đã không còn nữa.

Chủ chuỗi nhà hàng bia này cho biết, địa điểm đó đã sang nhượng vì không thể trụ nổi trước tình trạng vắng khách và đóng cửa kéo dài do COVID-19.

Ông Dương Duy Nhất, 69 tuổi, đại diện cho một nhánh thương hiệu bia Lan Chín gồm 3 cơ sở: 516 Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội); 425 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) và số 2 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm Hà Nội) buồn bã nói: “Bây giờ tôi chỉ còn lại một cơ sở duy nhất là ở 516 Bạch Đằng”.

Vì sao các quán bia hơi Hà Nội đua nhau đóng cửa? - 1

Quán bia Lan Chín tại Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Lý giải nguyên nhân vì sao lại đóng cửa 2/3 cơ sở dù đã được phép bán hàng trở lại, ông Nhất cho biết, đầu tiên, đó là hệ quả của việc dịch bệnh hoành hành, các cửa hàng không hoạt động trong thời gian dài nên không có doanh thu.

Nếu chỉ có vậy thì sau khi được mở cửa trở lại, cửa hàng có thể phục hồi dần dần. Nhưng điều đáng nói là tình cảnh vắng khách chưa từng có. Sau khi được mở bán hàng trở lại, rồi được kinh doanh sau 21h hàng ngày, lượng khách cũng vô cùng èo uột. Đó là lý do chính mà chuỗi nhà hàng bia này buộc phải đóng cửa đồng loạt 2 cơ sở.

“Trong suốt 34 năm kinh doanh nhà hàng bia, đây là lần mà tôi thấy kinh hoàng nhất. Hiện các cửa hàng đã được hoạt động bình thường như khi chưa có dịch, nhưng lượng khách chỉ bằng 3/10 so với trước kia”, ông Nhất nói.

Ông Nhất chỉ vào khoảng sân rộng gồm hơn 50 bàn nhậu với sức chứa khoảng hơn 300 người vừa nói: “Đấy, giờ tan tầm mà chỉ có 3 bàn khách, mỗi bàn cũng chỉ được 3 người. Ấy là còn khá hơn nhiều so với thời điểm chỉ được bán đến 21h rồi đấy”.

Không những lượng khách giảm mà chi tiêu của khách cũng giảm hẳn: “Khách thì toàn khách quen, thân thiện như người nhà, ông nào cũng thật thà kêu không có tiền. Ví dụ ông nào nghiện lắm, trước uống 10 thì bây giờ chỉ uống 4 thôi”.

Khách vắng là thế nhưng còn khó hơn nữa là giá cả liên tục leo thang đến chóng mặt. “Cái gì cũng tăng giá, tăng từ quả ớt tăng lên nhưng chúng tôi không thể tăng giá bán. Nhà máy bia cũng mới tăng giá bán, đắn đo lắm mãi tôi mới quyết định tăng thêm 1.000 đồng/cốc bia”, chủ chuỗi nhà hàng này than phiền.

Theo ông Nhất, việc tạm đóng cửa để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh là điều đáng sợ đối với kinh doanh ăn uống nhưng không đáng sợ bằng việc được mở cửa mà không có khách. Tạm đóng cửa thì còn nhận được sự hỗ trợ từ các bên từ cho thuê mặt bằng đến các nhà cung cấp. Mở kinh doanh rồi thì không nhận được hỗ trợ nữa, mà vắng khách thì chỉ còn nước đóng cửa.

Nói đến chuyện kinh doanh của cửa hàng bia thì phải nói đến sản lượng bia tiêu thụ. Ông Nhất cho biết rằng, lúc chưa có dịch bệnh, chỉ tính riêng cửa hàng này mùa cao trung bình cũng tiêu thụ được khoảng 15-16 bình 50 lít (tức là khoảng 750-800 lít bia mỗi ngày). Còn thời điểm hiện tại chỉ tiêu thụ được 2 bình (100 lít). Dù chưa phải là mùa cao điểm nhưng lượng tiêu thụ này là quá nhỏ so với thông thường.

Cùng với đó, số lượng nhân viên tại nhà hàng cũng giảm từ 30 người (trước dịch) xuống còn 6 người ở thời điểm hiện tại.

Anh Nguyễn N., từng là chủ 2 cửa hàng bia tại Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, vì thấy bạn bè làm ăn được nên 6 năm trước anh cũng mở nhà hàng bia đầu tiên, sau đó 2 năm thì có cửa hàng thứ hai ở cùng khu vực. Khi dịch bệnh kéo đến, anh đã cố gắng cầm cự nhưng gần đây thì không trụ được nữa. "Tôi cảm thấy nuối tiếc. Mở quán bia kinh doanh được hơn 6 năm, quen mặt nhiều khách hàng tới quán nhưng giờ đành phải ngậm ngùi chia tay vì không còn đủ lực để kinh doanh".

Cuối năm 2021, trong khi nhiều loại hình khác được kinh doanh thì quán bia hơi vẫn nằm trong danh sách cấm hoạt động. Doanh thu quán bia giảm sút mạnh, hoạt động bán hàng mang về không hiệu quả. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại nhưng phải đóng cửa từ 21h. Điều này cũng ảnh hưởng khá lớn tới quán. “Phần lớn khách tới uống bia, nhiều khi vui quá ngồi tới tận khuya nên đóng cửa sớm mất khá nhiều khách”, anh N. nói.

Sau khoảng thời gian này, khách quen cũng ít lui tới. Vì thế, chỉ vài ngày được mở bán sau 21h, sau khi đã tính toán chi li, anh N. quyết định ngừng kinh doanh vì quá vắng khách, thu không đủ bù chi.

Anh Đỗ Doãn, chủ chuỗi bia hơi Hải Hói cho rằng, việc kinh doanh nhà hàng, đặc biệt là nhà hàng bia đang khó khăn chung về mọi mặt, nhưng cái khó nhất đẩy nhiều quán bia đến cảnh đóng cửa chính là khách hàng và chi tiêu của khách hàng.

18h ngày 29/3, anh Doãn đứng giữa không gian nhà hàng rộng lớn chia sẻ: “Đang là giờ khách thường uống bia, mà hôm nay còn có đá bóng, trận Việt Nam - Nhật Bản luôn. Vậy mà chỉ được chưa đầy 4 bàn khách, khác xa so với cảnh đông nghẹt thời xưa”.

Vì sao các quán bia hơi Hà Nội đua nhau đóng cửa? - 2

Không những vắng khách, thói quen chi tiêu của khách cũng thay đổi theo chiều hướng giảm.

“Vắng khách là vậy, nhưng đáng lo ngại hơn nữa là khách lại gọi rất ít đồ. Hầu như bàn nào cũng chỉ có một đĩa đậu lướt ván, một đĩa lạc luộc tính ra chỉ có vài chục nghìn đồng thì làm ăn buôn bán thế nào được”, anh Doãn thở dài.

Trong khi đó, đại diện chuỗi nhà hàng bia Hải Xồm cho biết, lượng khách hàng tại chuỗi này hiện mới chỉ phục hồi được bằng khoảng 40% so với thời điểm trước dịch bệnh. Vắng khách, đây là một khó khăn lớn mà chuỗi nhà hàng này đang phải đối mặt.

Giá cả nguyên vật liệu áng chừng cũng tăng thêm khoảng 20%. Nhưng lại không thể tăng giá bán vì khách đang vắng, cần phải chăm sóc, mời gọi. Nhân sự thì khó tuyển vì người lao động đòi lương cao hơn trước.

“Mở lại thì cần tuyển nhân sự mà nhân sự bây giờ vô cùng khó tuyển. Bắt buộc phải trả lương cao hơn thì mới tuyển được người làm, trả thấp họ không làm. Ngoài ra, nhiều người cũng không muốn đi làm vì vẫn còn lo ngại  dịch bệnh”, vị này cho biết.

Lượng khách phục hồi được khoảng 40% nhưng doanh thu thì không phục hồi tương ứng vì chi tiêu của khách ít hơn trước. Thêm vào đó, chi phí thì tăng lên ở phần nhân công và nguyên vật liệu khiến cho khó khăn lại càng thêm khó.

Vì sao các quán bia hơi Hà Nội đua nhau đóng cửa? - 3

Khách hàng thưa thớt tại bia Hải Xồm trong một buổi chiều cuối tháng 3.

Hiện tại, chuỗi nhà hàng này mới mở cửa 3/5 cơ sở. Họ hy vọng rằng thời điểm chính thức vào mùa (khoảng từ đầu tháng 4) lượng khách sẽ tăng lên đạt mức yêu cầu và khi đó họ sẽ mở cửa nốt những địa điểm còn lại.

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn