• Zalo

Vật vã với cách phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa

Tin tức - Sự kiện Thứ Hai, 01/11/2021 16:45:00 +07:00Google News

Phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa khiến không ít thầy cô, học sinh vò đầu bứt tóc, ngay cả tác giả viết sách giáo khoa cũng cảm thấy bất cập.

Đang là học sinh lớp 11, mỗi lần học lịch sử, Nguyễn Hoàng Huy lại thấy rất buồn cười khi đọc tên các nhân vật lịch sử của thế giới. Vì Hoàng thấy không có bất cứ liên quan gì đến phiên âm quốc tế. Ví dụ như thành phố New York (tên tiếng Anh) khi được phiên âm ra tiếng Việt trong sách giáo khoa lại là Niu - Oóc. Đọc xong không biết thành phố này ở đâu để tìm. Hay như một nhân vật có tên tiếng nước ngoài bắt đầu bằng chữ S thì khi phiên âm lại biến thành chữ X.

Vật vã với cách phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa - 1

Một trang trong SGK Lịch sử lớp 11.

Không chỉ gây khó khăn với học sinh mà giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn khi đối diện với tên riêng tiếng nước ngoài trong sách giáo khoa. Cô Phạm Thị Thu, giáo viên dạy Địa lý tại một trường THCS ở Nam Định cũng rất băn khoăn khi đọc các địa danh tiếng nước ngoài trong sách giáo khoa. Vì theo cô Thu, nhiều tên địa danh đọc lên, học sinh ngơ ngác, có em còn phá lên cười vì không hiểu như thế nào.

Cô lấy ví dụ trong sách giáo khoa Địa lý lớp 7, trang 12 phần câu hỏi ôn tập có ghi "Bu - ê - nôt Ai - ret (được chú thích là tên siêu đô thị ở Nam Mỹ)".

Vật vã với cách phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa - 2

SGK Địa lý lớp 7.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ Văn, bộ sách "Kết nối Tri thức với cuộc sống", chương trình sách giáo khoa mới, cho rằng đã phiên âm thì không có từ nào hài lòng. Vì bản chất của phiên âm là làm sai lệch tên người, tên địa danh.

PGS. Bùi Mạnh Hùng cho biết chủ trương phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa vốn nhằm mục đích tạo thuận lợi cho học sinh đọc thành tiếng văn bản, nhất là học sinh cấp tiểu học. Chủ trương này đã có từ lâu, không chỉ trong sách giáo khoa mà cả trên báo chí và nhiều loại văn bản khác. Việc này thực hiện khi mà ngoại ngữ vẫn chưa được dạy phổ biến, phần đông người dân trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, đất nước ta chưa hội nhập sâu rộng với thế giới thì chủ trương này có phần có lí.

Tuy nhiên, đến nay thì việc phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa đã bộc lộ nhiều bất cập. "Khi biên soạn sách giáo khoa mới, chúng tôi rất muốn khắc phục bằng một giải pháp căn bản hơn, khoa học hơn. Rất tiếc quy định chính tả hiện nay của các cơ quan chức năng khiến cho ý muốn đó không thực hiện được. Tất cả tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa mới đều phải viết dưới hình thức phiên âm tiếng Việt (có chú tên riêng nguyên dạng, nói đúng hơn là chú tên riêng viết bằng tiếng Anh hay chuyển dạng sang chữ viết La Tinh), kể cả sách giáo khoa cho học sinh trung học. Việc quy định phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa tiểu học đã bất cập rồi, trong sách giáo khoa trung học lại càng bất cập hơn", PGS.Hùng nói.

Theo PGS. Bùi Mạnh Hùng, quy định đó có nhiều hạn chế, trong đó đáng kể nhất là phiên âm sẽ khó chính xác vì không ai biết được cách đọc tên riêng nước ngoài từ nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhiều người có thể biết được cách đọc một số tên riêng thông dụng của người Anh, người Pháp,... nhưng vô số tên riêng của người Đức, người Nga, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha đọc như thế nào thì ít người biết.

Vật vã với cách phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa - 3

SGK Địa lý - Lịch sử lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều khi chỉ một người, nhưng ở các tài liệu khác nhau, tên riêng được viết rất khác nhau. Hơn nữa, cho dù biết được cách đọc thì khi đã phiên âm, do đặc điểm ngữ âm và chính tả tiếng Việt, cách đọc tên riêng nước ngoài không nhiều thì ít đã có sai lệch. Đó là chưa kể nhiều tên riêng nước ngoài viết dưới dạng phiên âm không bảo đảm thẩm mĩ và có thể gây những liên tưởng không tốt về ý nghĩa. Xét về phương diện nào đó, có thể nói cách viết này thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với đối tượng được nói đến.

Bên cạnh đó, dựa vào hình thức phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa, học sinh sẽ gặp khó khăn khi cần tìm kiếm thông tin có liên quan trong các tài liệu gốc tiếng nước ngoài. Điều đó gây nhiều trở ngại cho việc tra cứu và hội nhập quốc tế. Tuy sách giáo khoa có quy định chú thích nguyên dạng tên riêng, nhưng do chỉ chú thích một lần, nên học sinh vẫn tiếp xúc chủ yếu là hình thức phiên âm. Vì vậy, cái được lưu giữ trong trí nhớ của các em chủ yếu vẫn là hình thức phiên âm.

PGS. Bùi Mạnh Hùng nêu quan điểm nếu viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài thì học sinh có thể đọc sai một chút nhưng còn có được hình thức viết chính xác, nhờ đó có thể có đầu mối để tìm kiếm.

Do đó, ông đề xuất tên riêng nước ngoài nên ghi nguyên dạng trong sách giáo khoa. Ở cấp tiểu học, có thể tạm thời áp dụng quy định phiên âm tên riêng nước ngoài, nhưng từ lớp 6 đến lớp 12 thì không cần, thậm chí không được phép phiên âm. Nếu triệt để hơn nữa thì ngay từ sách giáo khoa tiểu học, tên riêng nước ngoài cũng đã có thể viết nguyên dạng.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tất cả học sinh đều được học ngoại ngữ từ lớp 3, nghĩa là các em đã làm quen với cách đọc từ ngữ trong tiếng nước ngoài. Việc tập đọc một số tên riêng nước ngoài trong một năm học không phải là vấn đề lớn. Nếu cần thì sách giáo viên có thể chú thích hình thức phiên âm những tên riêng nước ngoài có trong bài học. Đến khi hướng dẫn học sinh đọc thành tiếng văn bản có tên riêng nước ngoài, giáo viên chỉ cần ghi lên bảng phiên âm tên riêng cho các em đọc thay vì quy định ghi phiên âm đó trong sách giáo khoa.

"Tóm lại, phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa lợi bất cập hại. Có giải pháp khác đáng được lựa chọn hơn", PGS. Hùng khẳng định.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn