• Zalo

Vaccine COVID-19 của Pfizer-Biontech gây tranh cãi về hiệu quả và độ an toàn

Thời sự quốc tếThứ Hai, 08/02/2021 16:32:27 +07:00 Google News

Sáng kiến COVAX nhằm bảo đảm phân phối vaccine COVID-19 trên toàn thế giới đã khởi động hơn nửa năm, nhưng đến nay vẫn đang phải đối mặt với vấn đề an toàn.

Sau 2 tháng kể từ khi các quốc gia đầu tiên tiến hành tiêm chủng vaccine COVID-19, nhiều nước đã bước đầu ghi nhận những trường hợp phản ứng với vaccine phòng dịch. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các vaccine được đưa vào sử dụng có thực sự an toàn?

Theo Russia Today, tại Tây Ban Nha, có 78 cư dân ở Viện dưỡng lão thành phố Madrid cho kết quả xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2 sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech mũi đầu tiên vào ngày 13/1. 7 người trong số đó qua đời. Tuy nhiên, báo cáo không tiết lộ các trường hợp dương tính với Sars-CoV-2 có liên quan trực tiếp đến tiêm chủng hay không. Do đó, các nhà virus học cũng khuyến cáo người già, người có bệnh lý nền không nên tiêm vaccine mRNA như Pfizer vì nó có thể khiến sức khỏe họ xấu đi.

Vaccine COVID-19 của Pfizer-Biontech gây tranh cãi về hiệu quả và độ an toàn - 1

 

Không giống các loại vaccine bất hoạt, việc sử dụng vaccine dựa trên mRNA có nguy cơ gây rối loạn chức năng miễn dịch, gây dị ứng hoặc thậm chí tử vong. Các trường hợp tử vong và dương tính sau tiêm vaccine ở Tây Ban Nha không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó, cuối tháng 12/2020, Na Uy ghi nhận 33 ca tử vong sau khi tiêm mũi vaccine Pfizer- BioNTech đầu tiên. Ngành y tế Na Uy đã phải đưa ra khuyến cáo vaccine COVID-19 có rủi ro với những người già hoặc mắc bệnh nan y. Pháp cũng ghi nhận 9 ca tử vong sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer -BioNTech.

Tại Mỹ, thống kê từ ngày 14 - 23/12/2020 cho thấy, có 20 trường hợp có biểu hiện phản ứng với vaccine sau khi Mỹ tiến hành tiêm chủng khoảng 1,9 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Theo số liệu công bố, tỷ lệ nhiễm trùng chưa tiêm phòng là 162/21.800, xấp xỉ 0,74%. Tuy nhiên, khảo sát thực tế của Trung tâm Nghiên cứu Vaccine tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết, tỷ lệ nhiễm trùng ở nhóm vaccine là 7,35%, và tỷ lệ nhiễm trùng ở nhóm giả dược là 8,61%.

Vào ngày 15/12, hai nhân viên y tế công tác cùng bệnh viện ở bang Alaska, Mỹ có phản ứng đáng lo ngại chỉ vài phút sau khi được tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech bào chế. Theo New York Times, nhân viên y tế đầu tiên - một phụ nữ trung niên không có tiền sử bị dị ứng, bị phát ban khắp cơ thể và vùng mặt, khó thở và tim đập nhanh.

Trong khi đó, nhân viên y tế thứ hai được tiêm chủng hôm 16/12 bị sưng bọng mắt, choáng váng và ngứa cổ họng chỉ 10 phút sau tiêm. Người đàn ông này được đưa đi cấp cứu và điều trị bằng epinephrine, Pepcid và Benadryl. Do đó, ngay trong tháng 12/2020, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố phân tích kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Kết quả cho thấy, trong 22.000 tình nguyện viên được tiêm vaccine COVID-19 thử nghiệm, có 4 người mắc chứng liệt mặt Bell. Nhóm tình nguyện viên dùng giả dược không ai bị liệt mặt.

Gần đây nhất vào ngày 29/1/2021, văn phòng hạ nghị sĩ bang Massachusetts (Mỹ) Stephen Lynch thông báo ông dương tính với virus Sars-CoV-2 dù tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Hiện vẫn chưa có kết luận công bố về trường hợp này.  Đặc biệt, hơn 12.400 người ở Israel cũng có kết quả dương tính với Sarv-CoV-2 sau khi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer, trong đó 69 người đã tiêm tới liều thứ hai.

Khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh và Nam Phi, ngày 27/1, Trung tâm Nghiên cứu Vaccine tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) khẳng định trong nghiên cứu độc lập của mình là biến thể ở Nam Phi làm giảm độ nhận biết của kháng thể trung hòa 8,6 lần đối với vaccine của Moderna và 6,5 lần đối với vaccine của Pfizer/BioNTech.

Các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy các vaccine được phê duyệt ở Mỹ như Pfizer/BioNTech và Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn với biến thể ở Nam Phi. Ví dụ, Công ty Novavax của Mỹ cho rằng vaccine của họ có hiệu quả gần 90% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở Anh nhưng con số này đã giảm xuống còn 49% khi tiến hành thử nghiệm ở Nam Phi.

Việc các vaccine COVID-19 cho hiệu quả thấp hơn với các biến thể mới của SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi đang là hồi chuông cảnh báo toàn thế giới về một thực tế khốc liệt nếu không nhanh chóng có giải pháp ngăn chặn. Những diễn biến không mấy khả quan về hiệu quả của vaccineCOVID-19 làm gia tăng số lượng người dân phản đối việc tiêm chủng tại một số quốc gia vốn không mấy mặn mà với điều này. Cụ thể, gần 30% người dân Tây Ban Nha cho biết họ không sẵn lòng tiêm vaccine COVID-19 do muốn đợi hiệu quả từ chương trình tiêm chủng của nhiều quốc gia. Ý kiến này cũng được nhiều người dân Thuỵ Điển đồng tình.

Vaccine COVID-19 của Pfizer-Biontech gây tranh cãi về hiệu quả và độ an toàn - 2

 

Sau khi có báo cáo về số ca tử vong cũng như phản ứng với vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ban hành hướng dẫn mới về sử dụng vaccine COVID-19. Hướng dẫn này do nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE) đưa ra. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai không nên tiêm vaccine này, trừ khi họ là nhân viên y tế hoặc người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 rất cao. Kate O'Brien, Giám đốc phụ trách tiêm phòng của WHO cho biết: “Mang thai khiến phụ nữ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, WHO không khuyến khích sử dụng vaccine này cho phụ nữ mang thai”.

Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới Margaret Harris cũng cho biết, bất cứ các tác dụng phụ nào từ vaccine cũng sẽ được các cơ quan y tế quốc gia đánh giá cẩn thận. Đồng quan điểm với người phát ngôn của WHO, bà June Raine, Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm chăm sóc sức khỏe Anh cũng đưa ra nhận định: “Nên kiểm tra y tế một cách thận trọng và lấy lời khuyên từ giới chức địa phương trước khi lựa chọn vaccine để tiến hành tiêm chủng diện rộng”. Trong khi đó, chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng đưa cảnh báo, các đơn vị tiêm chủng cần phải chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu khi vaccine COVID-19 xảy ra các tác dụng phụ.

Cùng với hàng loạt tranh cãi về độ an toàn, cản trở lớn nhất của vaccine hãng Pfizer cũng được các chuyên gia dịch tễ chỉ ra, đó là vấn đề bảo quản khi phân phối trên diện rộng. Yêu cầu luôn bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm 70-80°C chính là một thách thức rất lớn về mặt hậu cần đối với việc cung ứng, bởi ngay tại một trong những bệnh viện uy tín nhất của Mỹ là phòng khám Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota cũng chưa có thiết bị để bảo quản vaccine ở nhiệt độ cực thấp như vậy.

Tiến sĩ Gregory Poland, nhà nghiên cứu virus học và vaccine của Mayo Clinic khẳng định: “Các yêu cầu phức tạp về tiêu chuẩn bảo quản siêu lạnh của vaccine COVID-19 do Pfizer-BioNtech phát triển chính là trở ngại lớn, ngay cả ở những bệnh viện hiện đại nhất của Mỹ chứ chưa nói đến hạ tầng y tế ở những bệnh viện địa phương, kể cả với các quốc gia phương Tây. Trong khi đó, đối với các nước nghèo có nguồn lực y tế hạn chế, việc bảo quản vaccine ở nhiệt độ siêu lạnh như vậy chính là rào cản trong quá trình tiêm chủng diện rộng”.

Trần Quốc Vinh
Bình luận
vtcnews.vn