Tại Hội thảo: “Kinh tế Việt Nam 2012, dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu” diễn ra sáng 9/11, nhiều giải pháp vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN đã được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra thảo luận.
DN phải hết sức “thận trọng”
Đánh giá về tình hình kinh tế thế giới cũng như kinh tế VN thời gian qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu cũng đang có nhiều biến động, nên viện các nước nhập khẩu các mặt hàng sẽ giảm, vì vậy xuất khẩu của VN cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, các DN cần phải có giải pháp để ứng phó ngay, nhất là theo dự báo tình hình kinh tế năm 2012 cũng không mấy khả quan hơn năm 2011.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh: “Các DN hãy dựa vào tình hình của mình để ứng dụng những giải pháp thích hợp. Không có giải pháp chung nào cả. Không thể có chiếc giầy nào vừa các loại chân”.
Còn ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu lúc này nên hết sức “thận trọng”.
Theo ông Tuấn, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vốn được xem là không mang lại lợi nhuận cao song vào thời điểm này lại là được đánh giá là hiệu quả bởi đa số đó là mặt hàng thiết yếu của cuộc sống như: gạo, thủy sản…
Mặc dù con số xuất khẩu 10 tháng qua vẫn cao, đạt trên 78 tỷ USD, song do mức lãi suất tại các ngân hàng khá cao nên các DN phải thận trọng trong kế hoạch kinh doanh của mình.
“Tôi không hiểu với mức lãi suất cao như vậy thì DN sẽ làm gì để trả lãi ngân hàng?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Trước tình hình đó, ông Phong cho rằng, giải pháp ứng phó dành cho các DN xuất khẩu không bao giờ thừa. Ông Phong cho rằng, DN cần chủ động hơn trong đề xuất và phản biện chính sách. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt cần khai thác tốt hơn tài chính, quan hệ của Việt kiều cho hoạt động xuất khẩu, phát triển các trung tâm thương mại VN ở nước ngoài.
DN trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cần chủ động phân tích và sẵn sàng nhiều kịch bản phù hợp, trong đó cần chú ý đa dạng hoá sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh xuất - nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ...Nhiều giải pháp tài chính cho DN xuất khẩu đã được đưa ra thảo luận
Chẳng hạn, về dệt may, theo định hướng thị trường xuất khẩu thời gian tới thì Mỹ vẫn là thị trường cốt lõi để đầu tư, tiếp đến là EU, Nhật Bản, Nga, Trung Đông…Ngoài ra, cũng cần hạn chế tác động tiêu cực, phát huy, khai thác lợi thế ở gần thị trường Trung Quốc đồng thời cần quan tâm phát triển thị trường trong nước.
Còn ông Trịnh Quốc Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam bày tỏ, thời điểm này, với tình hình kinh tế như hiện nay, DN không nên trông chờ quá nhiều vào sự trợ giúp của Chính phủ mà nên tự xoay sở, điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình. Tuy nhiên, điều mà Intimex cũng như các DN quan tâm hiện nay nhất là vấn đề chính sách.
“Chính sách phải thật rõ ràng thì doanh nghiệp mới định hướng được. Chẳng hạn, chúng tôi băn khoăn không biết dự báo về tỷ giá thời gian tới sẽ như thế nào, tăng hay là giữ ổn định?”, ông Thái băn khoăn.
“Gia đình gặp khó khăn, đứa con nào cũng cần tiền”
Đề cập đến các biện pháp cụ thể về vốn cho doanh nghiệp nói chung, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tình hình hiện nay giống như chúng ta đang phải sống trong một gia đình gặp khó khăn, đứa con nào cũng phải được đầu tư.
Nhưng nếu nói chỉ doanh nghiệp xuất khẩu cần vốn thì vẫn chưa đủ, mà các doanh nghiệp khác cũng cần, nên giải pháp phải mang tính tổng thể.
Theo ông Tuấn, việc đầu tiên là phải cân đối trong mức tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cần được xác định một cách hợp lý để góp phần vào mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, cũng không thể quá thắt chặt, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc, nên chăng có sự phân biệt trong cung ứng tín dụng. Ngân hàng nên đánh giá khả năng sinh lời của từng doanh nghiệp. Đồng thời với từng ngân hàng, cũng cần đánh giá rủi ro và khả năng quản trị của mình. Từ đó, những doanh nghiệp tốt và những ngân hàng tốt có thể được hưởng những khoản tín dụng phù hợp.
Ông Tuấn cũng lưu ý, việc tăng tín dụng đồng nghĩa với việc có thể kéo lạm phát lên, và như vậy sẽ lại rơi “vào vòng luẩn quẩn”. Hội thảo "“Kinh tế Việt Nam 2012: Dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu"
“Hạn chế tín dụng là đúng. Tuy nhiên, cách hạn chế tín dụng có hai yếu tố. Thứ nhất, phải xử lý được tính thời vụ trong chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chu kỳ phát triển kinh tế của đất nước trong một năm.
Thứ hai, sàng lọc được những DN có khả năng kinh doanh tốt và ủng hộ họ, còn những DN kinh doanh kém, quản trị kém thì rõ ràng phải hạn chế tín dụng. Nếu xử lý được hai vấn đề ấy thì theo tôi tình hình cũng không đến nỗi quá xấu”, ông Tuấn nhấn mạnh.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, lại đề nghị kiểm soát chặt chẽ đầu tư của DN nhà nước, đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư... Các dự án, công trình khởi công mới phải được kiểm soát chặt chẽ, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả mới khởi công.
Cũng tại hội nghị, nhằm giúp các DN tháo gỡ các khó khăn về vốn, đại diện Ngân hàng Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc cũng cho biết, từ nay đến 31/1/2012, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể được vay vốn với lãi suất từ 16 - 19%.
Tổng số tiền SeABank tài trợ cho các doanh nghiệp trong chương trình này lên tới 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng kèm theo nhiều ưu đãi đặc biệt như: giảm 30% phí thanh toán cho doanh nghiệp nhập khẩu, giảm 50% phí chuyển tiền trong nước khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử của SeABank (SeANet),…
Châu Anh
Ưu tiên vốn cho doanh nghiệp làm ăn tốt
(VTC News) - “Phải sàng lọc những DN có khả năng kinh doanh tốt và ủng hộ họ, còn những DN kinh doanh kém, quản trị kém thì rõ ràng phải hạn chế tín dụng”.
(VTC News) - Trong tình hình khó khăn về tín dụng như hiện nay, ông Hà Huy Tuấn, phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: “Phải sàng lọc những doanh nghiệp (DN) có khả năng kinh doanh tốt và ủng hộ họ, còn những DN kinh doanh kém, quản trị kém thì rõ ràng phải hạn chế tín dụng”.
Bình luận