• Zalo

Tuyển sinh 2017: Nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm lo lắng hệ luỵ

Giáo dụcThứ Tư, 21/12/2016 08:01:00 +07:00 Google News

Mùa tuyển sinh 2017, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng khi thi tuyển vào đại học nhưng GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội tỏ ra băn khoăn và cho rằng điều đó có thể dẫn đến một số những hệ lụy.

GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch HĐQT trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng trước đây có một nền giáo dục ưa hình thức, bằng cấp mà không hướng đến thực chất và hướng đến sự đam mê nghề nghiệp.

Học sinh cứ chỉ ăn và học đến hết cấp 3 thì thi bằng được vào một trường đại học bất kỳ mà mình đủ điểm, ra trường đã có bố mẹ thông qua các mối quan hệ quen biết để xin cho một chỗ làm ổn định.

hoc-sinh-thpt-hong-ha

 Học sinh trường THPT Hồng Hà (Hà Nội)

"Đó là cách giáo dục làm giảm đam mê, không kích thích được sự phát triển những sở trường riêng của thanh niên Việt Nam", GS Vũ Tuấn nhận định.

Vì vậy, việc được đăng ký nhiều nguyện vọng sẽ làm tăng khả năng học sinh đăng ký thật nhiều trường, nhiều khoa.

Tuy nhiên, nếu thí sinh không trúng vào trường và ngành học mà mình thật sự muốn theo đuổi thì sẽ dẫn tới việc vào học tạm một ngành khác mà mình không thích nhưng mà đủ điểm.

"Nhiều trường hợp, theo học ngành đó hết 4,5 năm và ra trường đi làm một ngành nghề mà mình không mấy ưa thích và cũng không có nhiều khả năng", GS Vũ Tuấn phân tích.

Nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng nếu làm công việc không đúng ngành nghề yêu thích thì sẽ không làm tốt, không phát triển được. Điều đó vô chắc chắn sẽ làm giảm chất lượng lao động của Việt Nam.

"Cũng có trường hợp, một số người sẽ chuyển ngang sang ngành khác sau một thời gian đi làm và cảm thấy không phù hợp nhưng như vậy là đã lãng phí rất nhiều năm tuổi trẻ cũng như vật chất của toàn xã hội", GS Vũ Tuấn bày tỏ.

Đối với chủ trương bỏ điểm sàn, nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên Việt Nam.

Về lý thuyết nếu bỏ điểm sàn, việc đảm bảo chất lượng của sinh viên sẽ do nhà trường chịu trách nhiệm.

"Tuy nhiên, do số lượng trường đại học được mở ra quá tràn lan như hiện nay, chắc chắn có rất nhiều trường chỉ vì đảm bảo kinh phí hoạt động, sẵn sàng giảm điểm đầu vào để tuyển đủ số lượng học sinh, dẫn đến chất lượng đầu vào của  các trường đại học không bảo đảm", GS Vũ Tuấn phân tích.

Video: Nghịch lý tuyển sinh năm 2016: Mới hôm trước còn trượt, hôm sau lại thành đỗ

Để giải quyết vấn đề đó, GS Vũ Tuấn cho rằng cũng có thể thắt chặt chất lượng đầu ra của các trường đại học.

"Nhưng câu hỏi đặt ra sẽ là chất lượng đầu ra sẽ được kiểm soát như thế nào để có thể bảo đảm uy tín của tấm bằng đại học đối với xã hội và làm sao có thể tránh được tình trạng các trường đại học vẫn bất chấp cho những sinh viên chất lượng kém được tốt nghiệp để đảm bảo chỉ tiêu của nhà trường", nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội băn khoăn.

Nhiều ý kiến lập luận, nếu một trường có chất lượng sinh viên ra trường kém thì tấm bằng đó sẽ tự bị xã hội đào thải và đánh giá thấp.

Việc bỏ điểm sàn là để cho các trường tự bị đào thải do không đạt được chất lượng yêu cầu của xã hội đối giáo dục đại học tối thiểu.

Nhưng GS Vũ Tuấn lại nêu ra trường hợp ở nước ta có một thực trạng là nhờ vào các mối quen biết của gia đình, rất nhiểu bạn sinh viên với tấm bằng không chất lượng vẫn có thể được nhét vào những chỗ làm tốt.

"Điều đó dẫn đến hai vấn đề là chất lượng lao động sẽ giảm đi và những trường đại học có đầu vào kém chất lượng vẫn có thể tuyển sinh và tồn tại và dẫn đến chất lượng của tấm bằng đại học nói chung sẽ dần đánh mất giá trị trong đánh giá của cả xã hội Việt Nam cũng như quốc tế", GS Vũ Tuấn bày tỏ.

Phương Liên
Bình luận
vtcnews.vn