• Zalo

Tướng công an: ‘CSGT không thể lạm quyền theo Thông tư 01’

Thời sựThứ Bảy, 20/02/2016 11:16:00 +07:00Google News

Nhiều ý kiến băn khoăn điều này dễ dẫn tới tiêu cực trong lực lượng CSGT. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế

Thông tư 01/2016 của Bộ Công an cho phép CSGT được ra quyết định xử phạt không cần lập biên bản trong trường hợp không quá 250.000 đồng với cá nhân và 500.000 đồng với tổ chức.
Nhiều ý kiến băn khoăn điều này dễ dẫn tới tiêu cực trong lực lượng CSGT. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho biết: “Thông tư 01 nói rõ việc xử phạt trong trường hợp phải lập biên bản và không lập biên bản đều phải theo quy định pháp luật nên không thể có chuyện lạm quyền hay chiếm đoạt tài sản”.
Thiếu tướng Trần Thế Quân giải thích trường hợp xử phạt vi phạm không lập biên bản, người xử phạt phải ra quyết định xử phạt tại chỗ và ghi rõ các nội dung: Họ tên (cơ quan), địa chỉ, hành vi vi phạm của người vi phạm, căn cứ xử phạt, chứng cứ chứng minh vi phạm và hình thức xử phạt (cảnh cáo hoặc phạt tiền, nếu phạt tiền thì mức phạt là bao nhiêu). Người dân có hai phương án lựa chọn để thực hiện việc nộp phạt, một là nộp trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt, hai là tự mình đi nộp phạt tại kho bạc nhà nước.
 CSGT Suối Tre, Đồng Nai tuần tra, kiểm soát xe vi phạm. Ảnh: Phan Cường

Theo Thiếu tướng Quân, nếu nộp trực tiếp, người ra quyết định xử phạt phải giao quyết định đó cho người vi phạm, khi thu tiền phải ghi biên lai. Thông thường biên lai sẽ có ba liên: Cho cơ quan xử phạt, cho người vi phạm và cho kho bạc. Các tập biên lai đều được giao hằng ngày và đánh số nên không thể làm giả hoặc chiếm đoạt. Trong hai ngày, CSGT phải nộp biên lai xử phạt cho kho bạc.
Thiếu tướng Quân cho biết khi bị xử phạt, người dân có quyền yêu cầu CSGT phải đưa quyết định xử phạt tại chỗ và biên lai. Trong trường hợp không được chấp thuận, rất có thể đó là trường hợp giả danh, cần báo ngay với cơ quan chức năng; còn nếu đó là CSGT thật, người dân có quyền tố giác qua đường dây nóng hoặc ghi lại số hiệu của chiến sĩ đó.
Một vấn đề nữa là ngày 4/2, Cục CSGT đã có công văn giải thích rõ hơn về quyền trưng dụng, trong đó CSGT chỉ được trưng dụng khi có quyết định của bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc Cục CSGT - đơn vị thuộc Bộ Công an, ra công văn giải thích thông tư do bộ này ban hành là chưa hợp lý.
Theo Thiếu thướng Quân, công văn này đúng thẩm quyền. Trong lĩnh vực giao thông, Cục CSGT có quyền kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc lực lượng thuộc quyền của mình; nó cũng giống như việc chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn, giải thích cho cấp dưới hiểu rõ để chấp hành.
Thiếu tướng nhấn mạnh việc giải thích văn bản cần phải có một cấp nhất định, đây chỉ là hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn và giải thích cho người dân hiểu rõ. Hơn thế, Thông tư 01 cũng giao cho Cục CSGT chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện.
Về băn khoăn Thông tư 01 quy định CSGT có quyền trưng dụng tài sản nhưng lại không căn cứ vào Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (TMTDTS), Thiếu tướng Quân khẳng định điều này là hoàn toàn hợp lý. Thông tư 01 không giải thích về trưng dụng mà chỉ ghi “theo quy định pháp luật” nên không căn cứ vào đó mà căn cứ vào Luật Công an nhân dân (CAND) 2014. Mặt khác, Luật CAND 2014 đã thống nhất với Luật TMTDTS và được Quốc hội thông qua. Trong trường hợp Thông tư 01 giải thích thêm hoặc quy định chi tiết về trưng dụng thì lúc đó mới căn cứ vào Luật TMTDTS.
Video: Bí thư Đinh La Thăng làm việc với CATPHCM


Nguồn: Pháp luật TPHCM
Bình luận
vtcnews.vn