• Zalo

Từ hôm nay, cán bộ nghỉ hưu từng mắc vi phạm cũng bị xử lý

Tin nhanh 24hThứ Tư, 01/07/2020 11:37:23 +07:00 Google News
(VTC News) -

Theo luật sửa đổi, bổ sung của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cán bộ nghỉ hưu trước 1/7/2020 sẽ bị xử lý nếu mắc vi phạm trong quá trình công tác.

Cán bộ sai phạm, về hưu vẫn bị xử lý

Kể từ hôm nay (1/7/2020), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có nhiều điểm mới.

Luật này bổ sung các hình thức kỷ luật với cán bộ nghỉ hưu nếu bị phát hiện vi phạm trong thời gian công tác trước đó. Tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc kỷ luật.

Từ hôm nay, cán bộ nghỉ hưu từng mắc vi phạm cũng bị xử lý - 1

Cán bộ nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác trước 1/7/2020 sẽ bị xử lý.

Ba mức kỷ luật cán bộ nghỉ hưu mắc vi phạm gồm: khiển trách, cảnh cáo, xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Mỗi hình thức kỷ luật được gắn với hệ quả pháp lý tương ứng. Chính phủ sẽ quy định chi tiết các hệ quả pháp lý này.

Với cán bộ đương chức, Luật vẫn giữ 6 mức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Xóa bỏ "viên chức suốt đời"

Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới từ 1/7/2020 sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn. 

Cụ thể, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay chế độ "biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước 1/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với những viên chức mới trúng tuyển từ 1/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ "biên chế suốt đời" với viên chức.

Cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử

Ngày 1/7/2020, Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp loại hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn.

Trẻ trẻ em dưới 14 tuổi không được cấp loại hộ chiếu này nhưng có thể được cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn với thời hạn là 5 năm - ít hơn 5 năm so với thời hạn hộ chiếu của công dân từ 14 tuổi trở lên.

Việc đưa vào sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử làm tăng tính xác thực cho hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả, tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu (được nhanh chóng, chính xác do áp dụng kiểm soát hộ chiếu điện tử bằng cổng kiểm soát tự động - autogate).

Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an khuyến cáo người dân nên đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử, vì hiện nay nhiều nước trên thế giới đã ưu tiên xem xét cấp thị thực thuận tiện cho những người sử dụng hộ chiếu điện tử.

Ví dụ: Đối với nước Mỹ, hộ chiếu điện tử là một điều kiện quan trọng trong hàng loạt tiêu chuẩn khi xin thị thực.

Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất lên đến 45 tuổi

Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ 1/7/2020, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996.

Luật này quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Theo đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên như sau:

Đối với đơn vị chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi;

Đối với đơn vị bảo đảm chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi.

Nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên

Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Giáo dục 2019. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Điều đáng chú ý tại Luật này, hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều phải nâng chuẩn trình độ.

Theo đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; Giảng viên đại học tối thiểu phải có bằng thạc sĩ.

Việc nâng chuẩn trình độ đối với những giáo viên nêu trên sẽ được thực hiện theo lộ trình. 

Nhất Nhất
Bình luận
vtcnews.vn