• Zalo

Tử chiến trên “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Nã pháo diệt lính Trung Quốc như ngả rạ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 17/06/2016 06:52:00 +07:00 Google News

Trên đỉnh núi nhỏ, lính Tàu không tiếc quân, dùng số đông định lấy thịt đè người, nhưng pháo mình bắn chết như ngả rạ.

Kỳ 4: Đấu pháo kinh hoàng

Cao điểm 685 vốn là một ngọn núi nhỏ trong hàng loạt ngọn núi liên tiếp nhau ngay sát cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Đỉnh núi này là một trong những chiến trường khốc liệt nhất của Mặt trận Vị Xuyên 32 năm trước. Suốt mấy tháng trời ròng rã cuối năm 1984, đầu 1985, trên núi diễn ra hàng chục trận đánh ác liệt. Với lực lượng ít hơn hẳn so với quân Trung Quốc, cả về con người lẫn phương tiện chiến tranh, nhưng với ý chí quyết tâm của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta đã giành chiến thắng.

Trong ký ức của nhiều cựu binh Mặt trận Vị Xuyên, bên cạnh những trận đánh giáp la cà quyết tử chống quân Trung Quốc tràn sang lấn chiếm, thì mọi người nhớ nhất là những cuộc đấu pháo và những lần phục kích bắn tỉa cả của ta và địch.

Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy Phó Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tâm sự, hồi đấy khi chiếm được những điểm cao, quân Trung Quốc đã làm đường vào tận nơi, đưa một lực lượng pháo rất mạnh vào bảo vệ các vị trí chiếm đóng trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Trong chiến đấu, ta bắn một thì chúng bắn mười, pháo kích nhả đạn sáng rực trời đêm, cày xới từng mét đất, từng trận địa của ta. Chúng bắn kiểu nhà giàu không tiếc của.

IMG_5701

 Sơ đồ điểm cao 685 trong ký ức cựu binh Đặng Việt Châu

Cựu binh Phạm Xuân Thanh, từng chốt giữ trên điểm cao 685 những ngày khói lửa nhất chia sẻ: “Có những lúc, các chiến sĩ chỉ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, vì có gọi cũng không nghe nổi, ai cũng điếc đặc ngẩn ngơ vì tiếng pháo.

Mọi người đã quá quen với việc pháo bắn nhiều, bắn liên hồi đến nỗi, có những lúc hơi yên ắng một tý, thì các chiến sĩ lại lăn tăn nghi ngờ, không biết quân Trung Quốc ngừng pháo thì có tổ chức luồn sâu hay kéo sang lấn chiếm hay không?”.

Cựu binh Đặng Việt Châu (Nghĩa Đàn, Nghệ An) khi được hỏi đến, thì ông tần ngần một lúc mới trả lời: “Biết miêu tả thế nào nhỉ? Như pháo hoa đêm giao thừa chẳng hạn, hoặc các anh lấy thanh củi ném vào cái bếp lò đang cháy, xem cái tàn lửa nó bung lên ra sao, thì đó chính là cảnh tượng của việc đấu pháo trên đỉnh 685 trong cuộc chiến 32 năm trước”.

Trong cuộc chiến ở 'Lò vôi thế kỷ', mỗi bên đóng ở một phía, giằng co nhau quyết liệt, và cả một ngọn núi nhỏ trở nên trắng xóa vì đạn pháo, chỉ duy nhất tồn tại một gốc nghiến cổ thụ trên đỉnh 685, nhưng ngọn cũng bị cắt trụi.

DSC_1565

 

IMG_0464

 Cựu binh Phạm Ngọc Quyền xúc động bên dấu tích của cuộc chiến năm xưa

“Bên mình cũng trắng xóa và bên nó cũng trắng xóa, nhưng mình có lợi thế là vách đá dựng đứng che chở, pháo chúng nó câu sang bị sượt qua rồi nổ ở phía sau, cho nên quân mình vẫn ém được và chống trả những đợt xâm lấn của bộ binh Trung Quốc”, cựu binh Đặng Việt Châu kể lại.

Dù pháo binh Trung Quốc bắn sang trận địa mình với một lượng đạn pháo khổng lổ, nhưng hiệu quả thì không bằng pháo binh Việt Nam. Những trận địa pháo của ta đã trở thành nỗi khiếp đảm kinh hồn của giặc, bởi khả năng bắn cực kỳ chính xác và độ sát thương cao.

Theo lời ông Châu, bộ binh Trung Quốc dồn hết về phía một bên sườn của 685, lại là sườn dốc thoai thoải chứ không phải dốc đứng như phía trận địa chốt giữ của ta. Thế nên pháo của mình cứ thoải mái bắn vào, gần như phát nào trúng phát đấy.

Và cái danh xưng “Lò vôi thế kỷ” cũng xuất phát từ cuộc đấu pháo ác liệt từ ngày 13/1/1985 cho đến ngày 19/1/1985. Những ngày đó, quân Trung Quốc bắn pháo trước, bắn ròng rã để mở đường cho bộ binh từ mỏm E1 tràn sang các điểm E2, E5 do các chiến sĩ ta đang chốt giữ.

DSC_1583

 Cựu binh Lê Hồng Mai trên mỏm E1, mỏm cao nhất của 685,  năm xưa quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên mỏm này

“Trên đỉnh núi nhỏ, lính Tàu không tiếc quân, dùng số đông định lấy thịt đè người, nhưng pháo mình bắn chết như ngả rạ. Mấy ngày liên tục, cứ mỗi lần chúng định tổ chức tấn công với số lượng lớn, đều bị ta gọi pháo dập vào, chỉ mới vài quả đã tan rã hết đội hình. Đến ngày 19, đôi bên dừng bắn bởi chúng chết nhiều quá, phải thu dọn chiến trường. Lúc đó, vì vận chuyển đạn pháo khó khăn, bên mình cũng gần hết đạn. Và trận đấu pháo 6 ngày đó đã trở thành nỗi khiếp đảm của chúng. Và với đặc điểm thay quân liên tục, những tốp lính Trung Quốc lên thay thấy những cảnh tượng đó quá khiếp hãi, không dám liều mạng như trước nữa”, cựu binh Đặng Việt Châu cho biết.

Bên cạnh chuyện đấu pháo trên 'Lò vôi thế kỷ', thì một trong những ký ức không bao giờ quên của các cựu binh Mặt trận Vị Xuyên chính là câu chuyện bắn tỉa. Lúc dừng pháo thì hai bên lại bắn tỉa, bắn liên hồi. Quân Trung Quốc vốn có lợi thế hơn vì đóng ở mỏm cao nhất, bên cạnh đó lại có thêm các ổ bắn tỉa ở cao điểm 772 và những cao điểm khác dòm sang. Nhưng không vì thế mà mình lép vế. Với khả năng bắn cực kỳ chính xác và chiến thuật cực kỳ linh động của các chiến sĩ, lại toàn dùng B40, B41, nên quân Trung Quốc dù đông cũng không mấy gã dám chui ra khỏi hầm trú ẩn.

IMG_0545

 Dải đất hình yên ngựa, nối giữa mỏm E5 và E1, nơi đối đầu gần nhất giữa ta và quân Trung Quốc

Cựu binh Đặng Việt Châu nhớ nhất một kỷ niệm trong cuộc đấu pháo 6 ngày đầu năm 1985. Lần đó, ông thay mặt sở chỉ huy trung đoàn lên đỉnh 685 động viên thăm hỏi anh em. Ở mỏm E5, một chiến sĩ tên Lưu Trần Hà xúc động xin phép được ôm lấy thủ trưởng.

Ông Châu hỏi: "Tay thế nào mà sao thối thế?". Ông Hà bảo: "Báo cáo, em vừa bốc xác của thằng trinh sát pháo binh của địch chỗ gốc nghiến. Em chả sợ chết, chả sợ bắn tỉa, nhưng phải lấy được cái xác của Tàu có đầy đủ súng ống, làm bằng chứng cho cuộc xâm lăng của chúng". Ông Châu hỏi tiếp: "Vậy anh em trên này có gặp khó khăn gì không?". "Dạ, báo cáo, bọn em vừa phát hiện ra chúng có một ổ bắn tỉa không biết từ đâu, nhưng bắn rát lắm” - ông Hà thuật lại.

Theo lời kể của ông Hà, mỏm E5 vốn gần nhất với mỏm E1 trên đỉnh 685, nơi quân Trung Quốc đang đóng, ở giữa là một dải đất như hình yên ngựa, hầm bắn tỉa của quân Trung Quốc nằm đâu đó trên dải đất ấy, bắn liên hồi.

Ông Châu nhặt viên đá, cho vào balo buộc vào dây, rồi nằm trong hầm vứt mạnh ra xa và kéo về, chỉ nghe tiếng đạn veo véo, lúc kéo về chỉ còn cái balo xơ xác

Ông Lưu Trần Hà bảo một đồng đội đang nấp ở hầm cách đấy chừng 20 mét  lấy cái mũ sắt buộc vào mũi súng, nhô lên thập thò rồi thụt xuống, còn mình bò sang một chỗ khác, thủ sẵn khẩu B41. Cái mũ sắt vừa mới ngoi lên đã thấy súng nổ liên hồi. Phía bên này, ông Hà đã xác định được vị trí, tức khắc 1 quả B41 phóng thẳng vào ổ bắn tỉa. Cái ụ đá vỡ vụn, tốp lính Trung Quốc tan xác.

Kể từ lần đó, quân Trung Quốc không bao giờ dám lập ổ bắn tỉa chỗ dải đất hình yên ngựa đó nữa.

Còn tiếp…

Hải Minh – Lê Hồng (Theo lời kể của cựu binh Đặng Việt Châu cùng các đồng đội)

Bình luận
vtcnews.vn