• Zalo

Trước viêm phổi Vũ Hán, đại dịch SARS từng khiến bóng đá Trung Quốc lao đao

Thể thaoThứ Hai, 27/01/2020 09:57:10 +07:00 Google News
(VTC News) -

Trước dịch viêm phổi Vũ Hán 17 năm, SARS từng khiến Trung Quốc tổn thất ở mọi lĩnh vực và bóng đá không phải ngoại lệ.

Dịch viêm phổi cấp Vũ Hán bùng phát khiến dư luận thế giới nhớ lại cuộc khủng hoảng do một chủng virus corona gây ra cách đây 17 năm. Đại dịch SARS khi đó khiến Trung Quốc lao đao trên mọi lĩnh vực và bóng đá cũng chịu ảnh hưởng rất lớn.

Năm 2003 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của bóng đá Trung Quốc. Đó là năm cuối cùng họ tổ chức giải vô địch quốc gia A-League trước khi chuyển sang phiên bản mới Super League tiến bộ hơn. Đất nước đông dân nhất thế giới đăng cai World Cup nữ, giải đấu thứ hai trong lịch sử mà FIFA giao cho Trung Quốc làm chủ nhà (lần đầu diễn ra từ năm 1991).

Tuy nhiên cả hai giải đấu này, cũng như tất cả các hoạt động khác của bóng đá Trung Quốc đều gặp trục trặc, xáo trộn và thậm chí không thể diễn ra.

Đầu năm 2003 khi đại dịch SARS vẫn còn hoành hành, bóng đá Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường. Phải đến tháng Tư, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) mới ra quyết định tạm dừng mọi sự kiện và giải đấu.

Trước viêm phổi Vũ Hán, đại dịch SARS từng khiến bóng đá Trung Quốc lao đao - 1

CĐV Trung Quốc đeo khẩu trang đi cổ vũ bóng đá.

Trước khi giải A-League bị hoãn, các trận đấu vẫn diễn ra, chỉ có điều các cổ động viên, phóng viên đến sân đều đeo khẩu trang. Các câu lạc bộ tự áp dụng các biện pháp phòng chống dịch SARS theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và các tổ chức y tế. Một số đội bóng cũng có cầu thủ bị đưa đi cách ly do nhiễm hoặc bị nghi nhiễm SARS.

Từ trước khi có quyết định đổi địa điểm thi đấu của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), HLV Bruno Metsu của CLB Al Ain (UAE) đề nghị hoãn trận đấu với Thạch Đức Đại Liên ở Champions League.

Bài phát biểu của ông gây chú ý với đoạn: "Sinh mạng con người quan trọng hơn bóng đá. Ai đó có thể rất mê bóng đá nhưng chắc chắn vẫn yêu gia đình, yêu cuộc sống hơn nhiều".

Cuối tháng 4/2003, CFA nhận được liên tiếp hai thông báo fax từ Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Đầu tiên, hai trận đấu vòng loại Olympic của đội tuyển Trung Quốc bị hoãn vô thời hạn. Nhưng thông báo thứ hai mới là một "đòn đánh" nặng nề đối với bóng đá Trung Quốc.

Ngày 22/4, Tổng cục thể thao Trung Quốc ban hành quyết định tạm dừng toàn bộ các hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Trên thực tế, CFA không đủ thẩm quyền và năng lực quản lý, kiểm soát các sự kiện liên quan đến môn thể thao vua trước ảnh hưởng của đại dịch SARS.

Vài ngày sau, FIFA triệu tập một cuộc họp hội đồng đột xuất. Chỉ sau 30 phút thảo luận, cơ quan này đưa ra quyết định tước quyền đăng cai World Cup nữ của Trung Quốc. Bao nhiêu công sức, nhân lực và tiền bạc mà Trung Quốc tiêu tốn để chuẩn bị cho giải đấu coi như "đổ sông đổ biển".

Trước viêm phổi Vũ Hán, đại dịch SARS từng khiến bóng đá Trung Quốc lao đao - 2

World Cup nữ 2003 dự kiến diễn ra ở Trung Quốc nhưng quyền đăng cai được chuyển cho Mỹ.

Bóng đá Trung Quốc rơi vào trạng thái đình trệ, tất nhiên kéo theo thiệt hại rất lớn về tài chính giống như tất cả các lĩnh vực khác. Tuy nhiên may mắn là giai đoạn này không kéo dài thêm quá lâu, bởi đại dịch SARS dần qua giai đoạn đỉnh điểm và nằm trong tầm khống chế.

20 CLB Trung Quốc cùng viết đơn kêu gọi gỡ bỏ lệnh cấm hoạt động bóng đá và khởi xướng phong trào "đam mê xuyên dịch SARS" trên các phương tiện truyền thông. Tất cả các đội bóng thuộc hai hạng đấu chuyên nghiệp cao nhất và 16 liên đoàn bóng đá địa phương cùng gửi fax đến CFA, đề nghị tái khởi động hệ thống thi đấu trước ngày 15/6.

Cuối cùng, sau hai tháng bị "đóng băng", giải A-League tiếp diễn để hoàn thành nốt mùa giải cuối cùng trước khi chuyển sang kỷ nguyên Super League, giải đấu có sự tham dự của các CLB giàu có và sẵn sàng chi đậm để chiêu mộ ngôi sao tầm cỡ thế giới. FIFA, sau khi chuyển World Cup nữ 2003 sang Mỹ, đã trao lại quyền đăng cai giải đấu tiếp theo vào năm 2007 cho Trung Quốc.

Minh Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn