• Zalo

Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào Ukraine: Con dao hai lưỡi với Kiev

Thế giớiThứ Ba, 20/11/2018 07:48:00 +07:00 Google News

Ukraine và Trung Quốc đang tăng cường quan hệ đối tác trong những năm gần đây khi mà Kiev cần tiền để nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khi Bắc Kinh lại muốn nắm trong tay công nghệ của quốc gia Đông Âu.

Tuy nhiên, một quan chức Lầu Năm Góc trong chuyến đi tới Kiev hồi tháng 9 cảnh báo các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể sẽ là một con dao 2 lưỡi với Ukraine. 

"Trung Quốc muốn tìm hiểu bí quyết bằng cách chuyển giao dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc và nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Ukraine để Bắc Kinh thực hiện các nghiên cứu đảo chiều (RE) và tự sản xuất công nghệ", tờ Kyiv Post của Ukraine dẫn lời vị quan chức này cho biết. Nghiên cứu đảo chiều (RE) là quá trình tìm hiểu những công nghệ được sử dụng bởi 1 thiết bị, 1 đối tượng hoặc 1 hệ thống thông qua việc phân tích cấu trúc, các chức năng và hoạt động của nó.

1_104495

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: The Epoch Times)

Quan chức Mỹ cùng với đó cảnh báo Trung Quốc đang lên kế hoạch "tiếp thu các dữ liệu nghiên cứu và phát triển từ các công ty Ukraine, "thuê" các bộ não quân sự của người Ukraine tới làm việc tại Trung Quốc". 

Theo Kyiv Post, Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Ukraina với hơn 100 triệu USD/năm. Các mặt hàng chủ yếu là động cơ cho máy bay huấn luyện, máy bay trực thăng, xe tăng quân đội, tuabin khí cho tàu hải quân. Năm 1998, Ukraine bán cho Trung Quốc một tàu sân bay khi đó chỉ có khung tàu mà không có động cơ, bánh lái và phần lớn các hệ thống vận hành khác. Con tàu sau này được Trung Quốc nâng cấp thành Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. 

Nhưng Trung Quốc không đơn giản chỉ quan tâm tới việc mua vũ khí, Bắc Kinh cũng có tham vọng đầu tư vào ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Ukraine, the Kyiv Post. Năm 2016, Công ty hàng không Antonov của Ukraine cho biết đã cấp phép cho Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc lắp sản xuất máy bay vận tải An-225 Mriya tại Bắc Kinh.

Trước những động thái này của Bắc Kinh, quan chức Lầu Năm Góc kêu gọi chính phủ Ukraine thiết lập một tổ chức tương tự như Ủy ban liên ngành về đầu tư nước ngoài (CFIUS) của Mỹ, nơi xem xét các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá các khoản đầu tư đó có đặt ra các đe dọa về an ninh quốc gia hay không.

Sáng kiến Vành đai và Con đường

Ukraine là một trong những đối tác chính trong sáng kiến Vành đai và Con đường (OBOR) của Trung Quốc. Theo truyền thông Trung Quốc, Ukraine là một trong những quốc gia đầu tiên công bố sẽ hỗ trợ cho OBOR, dự án xây dựng các tuyến đường thương mại đầy tham vọng nối Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh. Với OBOR, Trung Quốc sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại hơn 60 quốc gia. 

Theo trang web chính thức của OBOR, Ukraine và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác theo khuôn khổ của dự án này vào năm 2015. Nhưng ngay trước cả khi thỏa thuận này được ký kết, Bắc Kinh đã mạnh dạn tuyên bố lợi ích của mình ở Ukraine.

Vào tháng 3/2014, không lâu sau khi Crưm tuyên bố tách khỏi Ukraine sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, tờ Global Times của Trung Quốc cho đăng tải bài xã luận có tựa đề "Cuộc khủng hoảng ở Ukraine mang đến cơ hội chiến lược cho Trung Quốc”.

Bài báo khẳng định Bắc Kinh có được nhiều lợi ích từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cụ thể là nếu Mỹ và Nga ngày càng gia tăng căng thẳng liên quan tới Crưm, điều này sẽ làm giảm áp lực quốc tế chống lại Trung Quốc. Thậm chí, Trung Quốc còn có thể đóng vai trò nhưng một "người hòa giải" và "đại sứ hòa bình" trong cộng đồng quốc tế. 

Theo The Epoch Times, có không ít các dự án cơ sở hạ tầng của Ukraine hiện tại có vốn đầu từ Bắc Kinh như nhà máy điện mặt trời ở thành phố Nikopol dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hay dự án nạo vét tại Cảng Chornomorsk. 

Chính phủ Ukraine cũng đã ký một khoản vay kỳ hạn 20 năm từ một ngân hàng Trung Quốc để chi trả 85% kinh phí cho dự án đường dây điện ngầm trị giá 2 tỷ USD ở Kiev dự án sẽ được khởi công trong vài tháng tới. 

Vào tháng 7, một trung tâm xúc tiến đầu tư OBOR được thành lập tại Kiev để hỗ trợ các công ty Ukraine mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và các nước khác trong khuôn khổ OBOR.

Bẫy nợ

Cũng giống như nhiều quốc gia khác được Trung Quốc rót vốn đầu tư, nhiều chuyên gia lo ngại Ukraine sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo từ chính sách ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh. 

Theo một bài báo đăng tải trên tờ The Bohr Times, nợ công quốc gia của Ukraine đang ở mức 75,71 tỷ USD tính đến ngày 31/7/2018 trong khi nợ nước ngoài trực tiếp đã chạm tới 37,51 tỷ USD. 

Ukraine không công bố chính xác số nợ Chính phủ Trung Quốc, nhưng theo số liệu thông kê được Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington cung cấp, con số này vào cuối năm 2016 là 1,59 tỷ USD. 

Một bài báo đăng tải trên tờ Kyiv Post ngày 14/9 cảnh báo Ukraine về những nguy hiểm trong việc thúc đấy thương mại và quan hệ chính trị với Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh đang tìm kiếm cơ hội ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao và quốc phòng Ukraine. 

"Ukraine nên nghiên cứu các trường hợp của Pakistan, Malaysia và Sri Lanka, các quốc gia nạn nhân từ chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ tại các quốc gia đó", tác giả bài viết cảnh báo. 

Sri Lanka hồi tháng 7 tuyên bố đã dời một căn cứ hải quân tới một cảng do Trung Quốc xây dựng và kiểm soát, động thái được cho là sẽ tăng cường an ninh tại hải cảng mà giới quan sát lo ngại Trung Quốc có thể dùng vào các mục đích quân sự.

Vào tháng 8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố hủy bỏ hàng loạt dự án hàng tỷ USD với Trung Quốc để giảm nợ cho quốc gia. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn