• Zalo

Trung Quốc đánh cược vào năng lượng tái tạo, nền kinh tế sẽ sớm 'bứt tốc'?

Tư liệu Thứ Ba, 20/09/2022 10:07:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chiến dịch điện mặt trời trên mái nhà ráo riết cho thấy Trung Quốc đang đặt cược vào năng lượng sạch trong thời điểm gián đoạn nguồn cung đang là vấn đề.

Tại huyện Quảng Ninh, thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - một huyện miền núi tương đối nhỏ ở miền Nam nước này, công ty của Wang Rongshuo - Yangshuo Lujian Technology đang tham gia vào một kế hoạch năng lượng mới đầy tham vọng.

Theo kế hoạch này, công ty sẽ lắp đặt pin mặt trời trên hầu hết các mái nhà. Dự án có khả năng thay đổi diện mạo toàn cảnh điện năng của địa phương trong nhiều thập kỷ tới.

Huyện Quảng Ninh là một trong 676 điểm thí điểm trong chiến dịch điện mặt trời trên mái nhà quốc gia Trung Quốc. Huyện dự kiến thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng tạo ra hàng triệu kilowatt giờ quang điện hàng năm cho hơn 400.000 người.

Chiến dịch quốc gia trị giá hàng trăm tỷ nhân dân tệ, sẽ kéo dài vài năm và là cơ hội sinh lời cho các công ty như của Wang, trong thời điểm tất cả các nền kinh tế lớn đang thúc đẩy đạt được mục tiêu khử cacbon.

Trung Quốc đánh cược vào năng lượng tái tạo, nền kinh tế sẽ sớm 'bứt tốc'? - 1

Trung Quốc đánh cược vào năng lượng tái tạo, nền kinh tế sẽ sớm 'bứt tốc'? (Ảnh minh họa) 

Thu hút đầu tư lớn

Việc chuyển hướng sang năng lượng mặt trời bền vững không phải là điều mới ở Trung Quốc. Các dự án dường như đang tăng lên nhanh chóng trong bối cảnh tình trạng thiếu điện gây ra những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và sinh kế người dân.

Hơn một nửa số pin mặt trời được lắp đặt toàn Trung Quốc vào năm 2021 là trên các mái nhà, theo cơ quan quản lý năng lượng nước này.

Wang cho biết: “Bạn có thể thấy các dự án bảng điều khiển năng lượng mặt trời quy mô lớn mọc lên ở khắp mọi nơi - từ các tỉnh sa mạc cằn cỗi đến ao cá, vườn cây ăn trái, sườn đồi, các mái nhà khu công nghiệp, thương mại ở các tỉnh giàu có nhất”.

Khi tâm lý đầu tư ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, COVID-19 và những thay đổi quy định, ngành công nghiệp năng lượng mới - bao gồm quang điện mặt trời - vẫn là một trong số rất ít điểm sáng khi thu hút nguồn vốn đầu tư dồi dào.

Không giống hình thức phát điện tập trung - các dự án phát điện năng lượng mặt trời như ở Quảng Ninh gần hơn với người dùng cuối, những người trực tiếp sử dụng điện và thậm chí có thể bán lại phần dư cho công ty điện lực. Wang nói: “Một lượng vốn lớn đang đổ vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng năng lượng mới trong năm nay, đặc biệt là đối với điện mặt trời - ở dạng phân tán hoặc trên mái nhà".

Aron Lin, chuyên gia một ngân hàng tư nhân ở Quảng Đông cho biết: “Các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng mới hiện được các chính quyền địa phương và các ngân hàng hoan nghênh nhất, vì là lựa chọn an toàn và đúng đắn về chính trị để cho vay”.

Do đó, ngoài các nhà đầu tư, nhiều địa phương hy vọng lĩnh vực sẽ trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là khi một động lực chính khác - bất động sản - đã chậm lại trong năm qua sau khi các quy định bị thắt chặt.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng đặt câu hỏi liệu ngành công nghiệp năng lượng mới có thể bù đắp được cho bất động sản và thực sự trở thành động lực kinh tế cho nước này hay không. Hiện tại, triển vọng này đang bị ảnh hưởng bởi những bất ổn bên ngoài trong thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng. Trong khi đó, sự tăng trưởng tương lai của ngành năng lượng mới của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài.

Trung Quốc đánh cược vào năng lượng tái tạo, nền kinh tế sẽ sớm 'bứt tốc'? - 2

(Ảnh minh họa: Nikkei Asia)

Những rào cản

Trên khắp thế giới, các chính phủ ngày càng xem năng lượng sạch là một lợi ích kinh tế, đặc biệt sau khi Mỹ đầu tư mạnh vào mạng lưới năng lượng thông minh như một phần nỗ lực vực dậy nền kinh tế năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhưng ngành công nghiệp này phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, nhờ môi trường dễ chịu và các khoản trợ cấp tạo ra thị trường dễ tiếp cận hơn cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Theo Hou Yunhe, phó giáo sư Khoa Kỹ thuật Điện và Điện tử tại Đại học Hong Kong (HKU): “Quang điện là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và lao động. Các rào cản kỹ thuật duy nhất chỉ là nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Nhưng hiện nay, ở Trung Quốc, nhờ hiệu ứng quy mô, điện mặt trời đã rẻ ngang với nhiệt điện”.

Và nó đã trở thành một trong số rất ít ngành mà Trung Quốc gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu.

Theo Dennis Ip, trưởng bộ phận nghiên cứu tiện ích khu vực của Daiwa Capital Markets, Trung Quốc hiện chiếm 80% toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu các sản phẩm quang điện. “Điều đó có nghĩa là, toàn bộ ngành công nghiệp ở Trung Quốc đã rất trưởng thành. Từ đầu vật liệu silicon đến tấm silicon cho đến các module pin, Trung Quốc là nước dẫn đầu”, Ip nói.

Nhưng bất chấp ưu thế đó, Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trên thị trường quốc tế. Ip bình luận: “Những thách thức chủ yếu đến từ Mỹ, chẳng hạn như hạn chế do đạo luật phòng chống lao động ép buộc gây ra".

Luật của Washington có hiệu lực vào tháng 6, ngăn chặn hoạt động nhập khẩu của Mỹ đối với tất cả các sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn hoặc một phần từ Tân Cương, nơi Mỹ cáo buộc Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền. Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc. 

"Nhiều công ty Mỹ bắt đầu mua nguyên liệu thô trực tiếp từ Đức hoặc Đông Nam Á, tránh chuỗi cung ứng Trung Quốc", chuyên gia Dennis Ip nói.

Tân Cương sản xuất khoảng một nửa polysilicon của thế giới - vật liệu quan trọng trong sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời.

Điểm tích cực hiện tại đối với Trung Quốc là hầu hết các module pin năng lượng mặt trời nước này đang xuất khẩu là cho châu Âu. Tuy nhiên, các nhà lập pháp ở Liên minh châu Âu đang cân nhắc lệnh cấm tương tự Mỹ.

Theo Ip: “Vì vậy, nếu có bất kỳ lo ngại nào về việc chuỗi công nghiệp bị chuyển ra khỏi Trung Quốc, thì lĩnh vực năng lượng mới chính là ví dụ rất rõ ràng. Bản thân các công ty Trung Quốc đã tăng tốc triển khai ở nước ngoài".

Bên cạnh đó, cũng có những rào cản kỹ thuật với ngành năng lượng mới này ở Trung Quốc.

Năng lượng quang điện hiện chỉ chiếm 3,4% tổng nguồn cung cấp điện của Trung Quốc - quá ít để đóng vai trò quyết định trong lưới điện quốc gia. Tính chất biến đổi của năng lượng mặt trời cũng làm cho việc cung cấp điện không ổn định so với nhiệt điện, tạo thêm áp lực cho lưới điện. “Rào cản kỹ thuật quan trọng đối với tất cả các loại năng lượng mới là công nghệ lưu trữ năng lượng vẫn chưa phát triển đầy đủ", ông Hou bình luận.

Trung Quốc đánh cược vào năng lượng tái tạo, nền kinh tế sẽ sớm 'bứt tốc'? - 3

Pin mặt trời không chỉ là chìa khóa phát triển năng lượng mới mà còn là trọng tâm của sản xuất xe điện. (Ảnh minh họa)

Tiềm năng sản xuất xe điện (EV)

Sự phát triển của pin mặt trời không chỉ là chìa khóa phát triển năng lượng mới mà còn là trọng tâm của sản xuất EV - một ngành công nghiệp khác mà Trung Quốc có thể dựa vào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho biết.

Theo Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis Pháp, Trung Quốc đang khai thác thị trường nội địa khổng lồ của mình để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất. Bà nói: “Nếu tính đến các công ty liên doanh, thị phần của Trung Quốc đã tăng từ 36% vào năm 2020 lên 51% vào tháng 6/2022. Hiện nước này có thể sản xuất 3,84 triệu EV trong 12 tháng. Vì vậy, hãy tưởng tượng nếu Trung Quốc thống trị thị trường xuất khẩu xe điện trên toàn thế giới".

Dựa vào trợ cấp của chính phủ, các công ty Trung Quốc cũng có ưu thế hơn về thành phần pin, cũng như khả năng tiếp cận với lithium - thành phần thiết yếu trong pin EV. Điều này, theo chuyên gia, không có nghĩa là Trung Quốc không có đối thủ cạnh tranh, vì Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, và họ đang hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc đánh cược vào năng lượng tái tạo, nền kinh tế sẽ sớm 'bứt tốc'? - 4

Các nhà kinh tế nhất trí rằng cả ngành công nghiệp điện quang và xe điện đều không thể thay thế ngay lập tức lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa: CNBC)

"Bù đắp" cho bất động sản?

Các nhà kinh tế nhất trí rằng cả ngành công nghiệp điện quang và xe điện đều không thể thay thế ngay lập tức lĩnh vực bất động sản, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc hai thập kỷ qua.

“Xét cho cùng, bất động sản và các ngành liên quan đã chiếm khoảng một phần ba tăng trưởng GDP của Trung Quốc", Hong Hao, nhà kinh tế trưởng tại quỹ GROW Investment Group cho biết.

Mặc dù quy mô đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hiện nay lớn hơn, nhưng ngành có thời gian "tạo sản phẩm" lâu hơn so với đầu tư bất động sản và hiệu ứng số nhân (mức tăng tỉ lệ thuận thu nhập đến từ việc tăng chi tiêu) nhỏ hơn, ông nói.

“Bởi vì có nhiều ngành liên quan mở rộng sang các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế… khi thị trường bất động sản Trung Quốc 'hắt xì', cả thế giới đều cảm thấy không khỏe", Hong nói. “Để tìm kiếm khả năng tăng trưởng mới, phải tìm hiểu xem việc cải thiện năng suất sẽ đến từ đâu. Hiện tại chưa nói được gì. Các ngành như chất bán dẫn, năng lượng mới, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp trông có vẻ hứa hẹn, nhưng vẫn còn quá nhỏ".

Phương Anh(Nguồn: South China Morning Post)
Bình luận
vtcnews.vn