• Zalo

Trung Quốc cảnh báo máy bay trinh sát của Mỹ trên Biển Đông 'rời đi ngay lập tức'

Thế giớiChủ Nhật, 12/08/2018 06:01:00 +07:00 Google News

Trung Quốc 6 lần gửi cảnh báo yêu cầu máy bay của Mỹ rời đi khi chiếc trinh sát đa năng P-8A Poseidon hoạt động trên Biển Đông hôm 10/8.

"Rời đi ngay lập tức và tránh xa trước khi gây ra bất cứ hiểu lầm nào", phóng viên của CNN thuật lại những gì nghe được khi ngồi trên chiếc P-8A Poseidon. 

Quân đội Trung Quốc thậm chí còn ngang nhiên khẳng định khu vực mà máy bay Mỹ đang bay là thuộc không phận Trung Quốc nên buộc họ phải rời khỏi. 

cach-sat-thu-p8a-poseidon-tuan-tra-san-ngam-tren-bien-dong_27101273

 Một chiếc P-8A Poseidon của không quân Mỹ . (Ảnh: Thatsmags)

Mặc dù vậy, chiếc trinh sát đa năng của Mỹ vẫn kiên quyết không rời đi mà tiếp tục hành trình bay qua 4 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam là đá Xu Bi, đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Gạc Ma.

"Đây là máy bay của Hải quân Mỹ. Chúng tôi đang thực hiện các hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế, liên quan đến quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia”, phi hành đoàn Mỹ trả lời mỗi khi nhận được cảnh báo. 

Theo phóng viên của CNN, khi ngồi ở vị trí khoảng 5.000 m trên chiếc P-8A Poseidon phi công có thể quan sát thấy  tòa nhà cao 5 tầng, hệ thống radar lớn, nhà máy điện và đường băng đủ dài cho máy bay quân sự cỡ lớn cất, hạ cánh trên một tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng trái phép. 

"Thật đáng ngạc nhiên khi nhìn thấy đường sân bay giữa đại dương”, Lauren Callen, cơ trưởng chuyến bay cho hay. 

Tại đá Vành Khăn, cảm biến của Poseidon đã phát hiện thấy 86 tàu, bao gồm tàu bảo vệ bờ biển đang neo đậu trong một đầm phá. Trong khi đó, ở đá Chữ Thập, máy bay trinh sát của Mỹ nhận thấy sự xuất hiện của một loạt nhà chứa dọc một đường băng dài. 

Video: Máy bay Trung Quốc diễn tập cất, hạ cánh tại một đường băng tại quần đảo Hoàng Sa

CNN đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đang chờ phản hồi. 

Trung Quốc duy trì tuyên bố chủ quyền phi lý đối với nhiều khu vực rộng lớn ở Biển Đông thông qua yêu sách “đường 9 đoạn” kéo dài hơn 1.000 km từ điểm cực nam của nước này. Vin vào cái cớ đó, Bắc Kinh liên tục bồi lấp, xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng, triển khai các khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông - khu vực hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới với 1/3 hàng hóa dịch vụ thế giới đi qua đây dù vấp phải hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. 

Điều này trái ngược hoàn toàn với cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2015 rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn