Tờ SCMP dẫn lại bình luận của chuyên gia quân sự Zhong Xin trong một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) vừa qua cho biết, quân đội Trung Quốc đang tối ưu hóa nhân lực bằng cách triển khai thêm lực lượng cho các đơn vị chiến đấy và cắt giảm 300.000 biên chế ở các bộ phận hậu cần.
Ấn phẩm của Nhân dân nhật báo chủ yếu tập trung đưa ra những cải cách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với lực lượng vũ trang nước này trong một thập kỷ qua.
Theo Zhong, quân đội Trung Quốc hiện có trong biên chế 2 triệu binh sĩ, con số này chỉ bằng 1/3 so với mức 6 triệu binh sĩ vào giữa cuộc Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950.
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra kế hoạch hiện đại hóa quân đội từ năm 2015, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã bắt đầu tiến hình cắt giảm biên chế từng phần cho đến còn hơn 2 triệu binh sĩ như hiện tại.
Tuy nhiên, chuyên gia Zhong cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa nếu không tham vọng của Bắc Kinh khó có thể thành hiện thực.
"Hệ thống chỉ huy của quân đội không đồng bộ, cấu trúc lực lượng không đủ vững chắc và quy trình chính sách chậm chạp làm hạn chế nghiêm trọng các hoạt động phòng thủ. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, kế hoạch xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới sẽ chỉ là lời nói suông", chuyên gia Zhong phân tích.
Chuyên gia Zhong không tiết lộ quy mô các đơn vị chiến đấu của quân đội Trung Quốc hiện tại nhưng lại cho biết rằng 300.000 binh sĩ bị cắt giảm được phân bổ lại cho các lực lượng tuyến đầu nhằm khuyến khích giới trẻ nhập ngũ.
Mục tiêu đằng sau việc cắt giảm 300.000 quân
SCMP dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, hầu hết 300.000 vị trí vừa bị quân đội Trung Quốc cắt giảm đều thuộc các đơn vị phi tác chiến, bao gồm các tổng cục chính trị, hậu cần, quân khí vốn bị giải thể từ trước, cùng các vị trí dôi dư ở 5 tập đoàn quân và nhân viên phục vụ tại viện dưỡng lão dành cho cựu chiến binh.
Trong khi đó, biên chế mới lại được phân bổ lại cho các đơn vị tuyến đầu như lực không quân, tên lửa chiến lược và lực lượng hỗ trợ chiến lược.
“Các đơn vị đổ bộ đường không của Trung Quốc sau cải tổ đã được nâng từ cấp lữ đoàn lên sư đoàn, số lượng phi công cũng được tăng lên khi các dòng chiến đấu cơ mới như J-20, J-16 và J-10C đi vào hoạt động”, nguồn tin của SCMP cho biết.
Truyền thông Trung Quốc, trong đó có tờ PLA Daily (tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc), đưa tin lực lượng hải quân đánh bộ thuộc hải quân nước này đang "được mở rộng để tăng cường bảo vệ các tuyến hàng hải huyết mạch".
Tờ SCMP trước đó cũng đưa tin, Trung Quốc có kế hoạch mở rộng lực lượng hải quân đánh bộ của nước này từ khoảng 20.000 quân lên 100.000 quân, tăng số lượng lữ đoàn từ 2 lên 10 đơn vị. Một phần trong số này sẽ được triển khai đến các căn cứ của Bắc Kinh ở nước ngoài như Djibouti và Gwadar.
Với những cải tổ hiện tại, Chủ tịch Tập Cận Bình kỳ vọng sẽ đưa quân đội nước này thành một lực lượng chiến đấu hiện đại vào năm 2027, khi các lực lượng vũ trang Trung Quốc tròn 100 tuổi, và sớm sánh tầm với các cường quốc quân sự như Nga, Mỹ vào năm 2050.
Trong một bài xã luận khác cũng của tờ Nhân dân nhật báo, chuyên gia quân sự Liu Yantong lại đưa ra nhận định về những rủi ro an ninh Trung Quốc phải đối mặt đang gia tăng khi nước này chịu áp lực lớn hơn về công nghệ, kinh tế và chính trị từ một số quốc gia khác. Hơn nữa vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết.
“Ngay bây giờ, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh. Quân đội Trung Quốc cần khẩn trương nhận thức rằng một cuộc xung đột có thể xảy ra chỉ sau một đêm... Chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng chiến đấu mọi lúc", ông Liu phân tích.
Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu đến từ viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh cho biết, quân đội Trung Quốc đang chịu sức ép ngày càng lớn cả trong và ngoài nước khi những thách thức đến từ các hướng khác nhau.
“Quân đội Trung Quốc từng là lực lượng lấy lục quân làm gốc, nhưng lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc đang mở rộng và xuất hiện những mối đe dọa an ninh lớn trên biển, trên không và thậm chí trên không gian mạng", ông Zhou nói.
“Giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc cũng cảm thấy khủng hoảng khi giải quyết các vấn đề trong nước. Ví dụ, vấn đề dân số già tăng cao đang diễn ra đã ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của quân đội ”, Zhou cho biết thêm.
Bình luận