• Zalo

Trung Quốc bất ngờ đưa yêu sách chủ quyền với khu bảo tồn của Bhutan

Thời sự quốc tếThứ Ba, 30/06/2020 16:43:17 +07:00Google News
(VTC News) -

Trung Quốc tuyên bố khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng của Buhtan là vùng lãnh thổ tranh chấp, phản đối tài trợ cho khu vực này.

Tại Hội nghị trực tuyến lần thứ 58 của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) để ra quyết định tài trợ cho các dự án môi trường trên toàn thế giới, Trung Quốc phản đối tài trợ cho một dự án cho Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng ở Bhutan, đồng thời nói rằng đó là lãnh thổ đang có "tranh chấp".

Tuyên bố của Trung Quốc khiến cả hội đồng bất ngờ. Song Ban thư ký GEF bác bỏ luận điểm của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng nằm trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của Bhutan.

Trung Quốc bất ngờ đưa yêu sách chủ quyền với khu bảo tồn của Bhutan - 1

Trung Quốc tuyên bố Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng là lãnh thổ tranh chấp giữa nước này và Bhutan. (Ảnh: World Wildlife Fund)

Trong suốt buổi họp, đại diện của Trung Quốc Zhongjing Wang, Phó Giám đốc Vụ Hợp tác Tài chính và Kinh tế quốc tế Trung Quốc liên tục nhấn mạnh cần viết thêm vào phần chú thích của phiên làm việc rằng, "Trung Quốc phản đối dự án này vì lý do dự án nằm trong khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc".

Ban thư ký GEF tuyên bố phần chú thích sẽ chỉ ghi lại thực tế rằng, Trung Quốc phản đối dự án và lý do sẽ được ghi lại trong phần các vấn đề thảo luận nổi bật.

Hầu hết các thành viên hội đồng GEF ủng hộ quan điểm của Bhutan và phê chuẩn dự thảo, bất chấp sự phản đối của đại diện Trung Quốc.

Đại diện từ Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Maldives và Sri Lanka yêu cầu các quan điểm của Bhutan phải được phản ánh như sau: "Bhutan hoàn toàn bác bỏ yêu sách của Thành viên Hội đồng Trung Quốc. Khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng là một nơi không thể tách rời và có chủ quyền lãnh thổ của Bhutan và không có điểm nào trong các cuộc thảo luận về ranh giới giữa Bhutan và Trung Quốc có đặc điểm là một khu vực tranh chấp. "

Sau đó, chương trình làm việc được thông qua, bản tóm tắt dự thảo của Chủ tịch có ghi chú: "Trung Quốc phản đối và không tham gia quyết định của Hội đồng về dự án này".

Chính phủ Bhutan cũng gửi công hàm tới Hội đồng GEF, phản đối mạnh mẽ việc các tài liệu trong phiên họp đặt nghi vấn về chủ quyền của Bhutan đối với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng. Theo đó, chưa bao giờ có bất kỳ tranh chấp nào tại khu vực này trong quá khứ, mặc dù ranh giới giữa Bhutan và Trung Quốc vẫn chưa được phân định. Bhutan tuyên bố "khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng là một lãnh thổ không thể tách rời và có chủ quyền của Bhutan."

Đáng chú ý, khu bảo tồn động vật hoang dã này chưa bao giờ là một phần của bất kỳ khoản tài trợ toàn cầu nào. Lần đầu tiên nó xuất hiện như một dự án trên diễn đàn quốc tế, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội để đặt yêu sách về đất liền.

Bhutan và nước láng giềng Trung Quốc phát sinh tranh chấp biên giới từ vài thập kỷ trước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa chính phủ hai nước chỉ giới hạn ở ba khu vực tranh chấp gồm Jakarlung và Pasamlung ở phía bắc và Doklam ở phía tây Bhutan.

Kông Anh(Nguồn: Indiatoday)
Bình luận