• Zalo

Trung Quốc bắt nạt, gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng thế nào?

Thời sự quốc tếThứ Hai, 29/06/2020 07:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Trung Quốc nhiều năm trở lại đây liên tục gây hấn với các nước láng giềng từ Việt Nam, Ấn Độ cho tới Nhật Bản, Hàn Quốc.

Năm 2014, khi tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt - Trung còn chưa ráo mực, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp quy định của luật pháp quốc tế về luật biển cũng như sự chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế. 

Liên tục những năm sau đó, Bắc Kinh bồi đắp phi pháp các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cũng chỉ vài tháng trở lại đây, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa" trực thuộc "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam. Tây Sa và Nam Sa cũng là cách Trung Quốc gọi tên cho lần lượt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Trung Quốc bắt nạt, gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng thế nào? - 1

 Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hồi giữa tháng 4. 

Mới đây nhất, Trung Quốc ngang ngược ra lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở Biển Đông từ 1/5 đến 16/8. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngang ngược là vậy nhưng Trung Quốc "duy trì" việc đưa ra tuyên bố này từ năm 1999. 

Chưa hết, các tàu của Trung Quốc còn nhiều lần cố tình va đâm tàu cá Việt Nam và thậm chí có trường hợp còn đổ vấy cho tàu Việt đâm chìm tàu của họ. Trong vụ việc mới đây nhất hồi giữa tháng 6, sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, làm 16 ngư dân rơi xuống biển, phía Trung Quốc dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá QNg 96416 TS điểm chỉ vào một số giấy tờ tiếng nước ngoài, rồi cướp số lượng lớn hải sản, ngư cụ, trang thiết bị.

Trung Quốc bắt nạt, gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng thế nào? - 2

Trung Quốc ngang nhiên công bố "đường lưỡi bò” phi pháp.

Cuối tháng 4/2020, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc sau khi rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tiến về vùng EEZ của Malaysia, hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu Trung Quốc "xâm nhập" EEZ của Malaysia. 

Năm 2016, hơn 100 tàu cá của Trung Quốc bị Cơ quan An ninh quốc gia Malaysia phát hiện đang đánh bắt trái phép ngoài khơi bãi cạn Luconia, nằm trong vùng EEZ của quốc gia này. 

Đầu năm 2014, Trung Quốc huy động lực lượng đặc nhiệm của hải quân trên tàu đổ bộ Jinggangshan cùng với sự hỗ trợ của thủy phi cơ, tàu hộ tống đổ bộ lên bãi James Shoal của Malaysia trong một chiến dịch mà Bắc Kinh khẳng định là để "bảo vệ Nam Hải, duy trì chủ quyền quốc gia và phấn đấu đạt ước mơ Trung Hoa hùng mạnh”. 

Khác với Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc áp dụng chiến lược khác với Philippines là liên tục có những hành vi gây hấn nguy hiểm nhưng lại muốn Philippines hợp tác, đối thoại trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc một mặt không ngại va đâm tàu cá Philippines, điều động tàu sát khu vực bãi cạn Scarborough của Philippines nhằm thể hiện quyền kiểm soát, triển khai hàng trăm tàu cá bị nghi là các tàu dân quân biển nguỵ trang tới các khu vực tiền đồn của Philippines, nhắm pháo vào chiến hạm Philippines trên Biển Đông.

Mặt khác lại kêu gọi thúc đẩy hợp tác, đối thoại bằng một số hành động như đăng tải video ca nhạc bằng hai thứ tiếng là tiếng Quan thoại và tiếng Philippines với mục đích “ghi dấu mối quan hệ hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc trong việc phòng chống COVID-19” mới đây. 

Trung Quốc bắt nạt, gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng thế nào? - 3

Tàu cá FB Gimver 1 của Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông hồi tháng 6/2019. (Ảnh: Rappler)

Với Indonesia, nước này không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng 2 quốc gia có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở một vài khu vực trên Biển Đông.

Trong năm 2016, Trung Quốc và Indonesia ít nhất 3 lần xảy ra đụng độ có nổ súng cảnh cáo trên biển. Sau vụ đụng độ thứ ba vào tháng 6/2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo tuyên bố "đường 9 đoạn" gây tranh cãi của họ bao gồm "ngư trường truyền thống" nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Năm 2017, Indonesia đổi tên phần phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế nước này ở Biển Đông thành “biển Bắc Natuna”. Động thái này được xem là để cảnh báo Trung Quốc trước ý định xâm nhập vào khu vực này một cách bất hợp pháp. 

Cuối năm 2019, Bắc Kinh điều động tàu hải cảnh xâm nhập vùng EEZ của Indonesia sát cạnh Biển Đông, động thái khiến Jakarta giận dữ và gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh. 

Phó Đô đốc Aan Kurnia – lãnh đạo Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia, khẳng định Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động “khiêu khích” Indonesia ở Biển Đông, mới đây nhất là Chiến dịch Biển xanh năm 2020, lệnh cấm đánh bắt cá và tôn tạo trái phép các đảo nhân tạo.

Trung Quốc bắt nạt, gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng thế nào? - 4

Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia tuần tra biển Bắc Natuna. (Ảnh: SMH)

Ngoài tranh chấp với các nước trên Biển Đông, Bắc Kinh còn cạnh tranh quyết liệt với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. 

Căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn của châu Á kéo dài nhiều năm qua liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. 

Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này. 

Mới đây, Bắc Kinh tuyên bố đặt tên mới cho 50 thực thể dưới nước ở Biển Hoa Đông, động thái được cho là để trả đũa việc Nhật Bản đặt lại tên cho một khu vực hành chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc bị cuốn vào tranh chấp với Trung Quốc liên quan tới chủ quyền của đảo Ieodo.

Ieodo, chìm 4,6 m so với mực nước biển, nằm ở phía nam đảo Jeju và trong khu vực chồng lấn của vùng đặc quyền kinh tế hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc. Dù luật hàng hải quốc tế quy định một dải đá chìm không thể tuyên bố là lãnh thổ của bất kỳ nước nào, Hàn Quốc hiện quản lý Ieodo, do vị trí địa lý gần với đảo này hơn các nước khác.

Trung Quốc từng để ngỏ kế hoạch dùng máy bay không người lái để giám sát hòn đảo này. Seoul cũng không dưới 1 lần tố Bắc Kinh điều máy quân sự xâm nhập Vùng nhận diện phòng không trên Ieodo. 

Tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước khác trong những năm gần đây chủ yếu dừng ở mức khiêu khích và Bắc Kinh luôn cố tránh đổ máu. 

Nhưng với Ấn Độ, vụ ẩu đả độ mới đây ở biên giới giữa binh sỹ 2 nước khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ trận chiến biên giới đẫm máu giữa 2 nước vào năm 1962 khiến 2.000 người thiệt mạng, trong đó đa phần là binh sĩ Ấn Độ. Sau trận chiến này, biên giới Trung Quốc được mở rộng thêm một chút.

Trung Quốc bắt nạt, gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng thế nào? - 5

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài nhiều năm qua. 

Vụ việc cũng được xem là hệ quả sau những căng thẳng âm ỉ bấy lâu nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhất là ở vùng biên giới trên bộ. Trong khi Trung Quốc tố Ấn Độ vượt qua một ranh giới được nhất trí chung, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh xây dựng các hầm trú ẩn ở phía Ấn Độ, cản trở hoạt động tuần tra thông thường của quân đội nước này, triển khai một loạt cuộc tập trận ở Tây Tạng cách không xa nơi đồn trú của binh sĩ Ấn Độ.

Người hàng xóm với Ấn Độ, Nepal cũng không tránh khỏi tranh chấp với Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một số khu vực của Nepal từ thời chiến tranh Trung Quốc-Nepal giai đoạn 1788-1792. Trung Quốc cho rằng các khu vực này là một phần của Tây Tạng của Trung Quốc.

Đài truyền hình CGTN hồi đầu tháng 5 cũng từng khiến dư luận Nepal phẫn nộ khi vơ toàn bộ đỉnh Everest về Trung Quốc.

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn