• Zalo

Trong đấu thầu, người ta dùng đủ mánh khoé để lạng lách, che chắn, lách luật

Tài chínhThứ Tư, 24/05/2023 16:00:17 +07:00 Google News
(VTC News) -

Đó là nhận định của Bộ Trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi nói về Luật Đấu thầu trước Quốc hội trưa 24/5.

“Bản thân đấu thầu là muôn hình muôn trạng, không có cách gì để chúng ta kiểm soát hết được, trong khi người ta dùng đủ mọi mánh khoé, chiêu trò để lạng lách, che chắn để lách luật, để thu lợi ích. Một người chuyên dùng mọi cách để lách luật, còn một người tìm đủ phương án để ngăn chặn thì không thể nào hài hoà lợi ích được. Do vậy, chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, sau kỳ họp thứ IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp ý kiến, yêu cầu đặt ra là phải làm sao cho thủ tục vừa thông thoáng, đơn giản để thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, vừa quản lý hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Quan điểm sửa Luật Đấu thầu là hài hòa quyền lợi của Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho chủ đầu tư khi mua sắm, không để xảy ra tình trạng trục lợi. Đối với doanh nghiệp nhà nước thì là vốn đi vay hay vốn tự có thì đều là vốn của nhà nước. Do đó, theo Nghị quyết 12 thì doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn vốn và bảo đảm hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả làm chính, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng, hợp pháp”, Bộ trưởng Dũng nói.

Trong đấu thầu, người ta dùng đủ mánh khoé để lạng lách, che chắn, lách luật - 1

Bộ Trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ, Luật Đấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kĩ thuật lập pháp. Bởi Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, lại gây khó khăn ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý Nhà nước.

Trong khi đó, theo quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), không phải lĩnh vực nào cũng cần đấu thầu và không phải lần đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. 

Theo ông Hòa, thực tế trong thời gian qua có những trường hợp có những gói thầu giá trị rất cao, nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp.

Trong đấu thầu, người ta dùng đủ mánh khoé để lạng lách, che chắn, lách luật - 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Quochoi.vn).

Thời gian qua, có những trường hợp giá trị gói thầu cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. Trong những chiêu trò của một số chủ đầu tư thời gian qua muốn nhà thầu quen thân của mình trúng thầu thì đã có phương pháp cụ thể, cuối cùng nhà thầu thân quen sẽ trúng”, đại biểu nêu dẫn chứng. Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất phải tổ chức đấu thầu nhưng không phải lĩnh vực đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả, do vậy cần xem xét lại, quy định cụ thể hơn.

Về chỉ định thầu, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng chỉ ra thực tế những quy định ràng buộc về chỉ định thầu hiện nay khiến một số chủ đầu tư không dám chỉ định thầu, "thà là tổ chức đấu thầu mà thuận lợi, dễ dàng hơn".

Lý do, theo ông, lúc chỉ định thầu "hồ sơ rất tốt nhưng giữa chừng nhà thầu bị "suy dinh dưỡng", công trình không đạt hiệu quả. Chủ đầu tư lại bị quy trách nhiệm thân với doanh nghiệp abc nên mới chỉ định".

Ông cũng đề xuất với những gói thầu dưới 5 tỉ đồng hoặc vài trăm triệu đồng, nên tổ chức chào giá cạnh tranh để đỡ mất thời gian, tốn kém mà không mang lại hiệu quả. 

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn