• Zalo

Trời lạnh, ngủ dậy bỗng dưng méo miệng, lệch mặt do mắc bệnh này

Sức khỏeThứ Sáu, 09/12/2016 06:27:00 +07:00Google News

Nhiều trường hợp bệnh nhân vào mùa đông khi ngủ dậy bỗng dưng bị méo miệng, lệch mặt, rất có thể họ đang mắc chứng bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Thời gian gần đây, nhiều người nhập viện sau một đêm tự nhiên thức giấc họ thấy mặt của mình bị biến dạng, mắt nhắm không kín, khóe miệng bị lệch.

Phát hiện dễ nhất là khi bệnh nhân nói hoặc cười sẽ thấy khuôn mặt bị lệch hẳn sang một bên, theo các bác sĩ xác định, bệnh nhân đang gặp phải triệu chứng của bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay còn gọi là bệnh liệt dây thần kinh mặt.

trieu-chung-va-cach-dieu-tri-liet-day-than-kinh-so-7-2

 Những biểu hiện của bệnh này như méo miệng, lệch mặt, mắt không nhắm được hết.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, khí hậu thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc đang lạnh bỗng trở lạnh hơn là yếu tố thuận lợi gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, làm bệnh nhân bị liệt mặt, méo miệng.

Bệnh xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ mặt bị viêm, bị chèn ép dẫn đến tổn thương và gây liệt. Căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng xấu đến cuộc sống cũng như thẩm mỹ của người bệnh

Biểu hiện rõ nét nhất là mặt mất cân đối, bên liệt trông như mặt mạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung bị kéo về bên lành. Sự mất đối xứng càng rõ khi bệnh nhân làm một số động tác chủ động như nhe răng thì mồm bị méo lệch sang bên lành.

Đặc biệt, mắt bên liệt không nhắm kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng. Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc sau bữa ăn.

Theo các bác sĩ, 70 - 80% số trường hợp mắc bệnh thường tự khỏi sau khoảng 1-3 tháng. Tuy nhiên, một số ca nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân dẽ gặp một số di chứng ảnh hưởng đến mắt và mặt, gây mất thẩm mỹ khuôn mặt cho bệnh nhân.

Cá biệt, một số ca tiến triển xấu do chẩn đoán và điều trị sai, gây biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc (do mắt nhắm không kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào gây nhiễm trùng), co giật cơ mặt(do hồi phục thần kinh không hoàn toàn) hoặc co cứng nửa mặt do dây thần kinh thoái hoá.

images697588_t9_liet_mat_xxfa

Điều trị bằng Đông y, châm cứu là phương pháp hiệu quả mà dễ nhất đối với người bệnh. 

Về phương diện điều trị liệt số 7 ngoại biên do lạnh, Y học hiện đại đã áp dụng các phương pháp: chiếu tia hồng ngoại hoặc sóng ngắn, thuốc corticod và vitamin, phẫu thuật… Nhược điểm của phương pháp này là giá thành cao, đặc biệt corticoid có ảnh hưởng tới dạ dày, gan, thận, xương, huyết áp…

Vì thể, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo cần nghiên cứu sử dụng các phương pháp Y học cổ truyền trong điều trị để vừa hạ giá thành vừa tránh được tai biến do dùng thuốc.

Đông y có rất nhiều phương pháp để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh như: uống thuốc, cao dán, cứu, ôn châm, điện châm, thủy châm, laser châm, từ châm, dán thuốc trên huyệt, xoa bóp bấm huyệt, đây là phương pháp tốt nhất và được các bác sĩ khuyên bệnh nhân điều trị.

Thời gian điều trị thường diễn ra trong khoảng 20 ngày tùy từng người bệnh.

Tiến Phòng
Bình luận
vtcnews.vn