"Nếu ông Trump thực sự từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng, thu hồi tất cả binh sĩ và thiết bị quân sự khỏi Hàn Quốc và tiến tới thực hiện hiệp ước hòa bình thì tôi nghĩ đây có thể là cơ hội để bàn bạc về các mối quan hệ như chúng ta từng làm từ những năm 1990", Reuters dẫn lời ông So Se Pyong, đại sứ Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc, nói.
Bên cạnh đó, ông So khẳng định Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách "phát triển đồng thời" cả chương trình hạt nhân và kinh tế.
Tuyên bố của ông So được đưa ra vào thời điểm quan chức cấp cao Triều Tiên bắt đầu các cuộc thảo luận không chính thức với cựu quan chức, học giả Mỹ tại Thụy Sĩ.
Đây là cuộc gặp không chính thức mới nhất trong năm nay. Mỹ và Triều Tiên chưa từng có đối thoại chính thức kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2011.
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump từng khẳng định sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong Un về chủ đề chương trình hạt nhân của nước này. Đây được coi là sự thay đổi lớn trong động thái của Mỹ đối với các quốc gia bị cô lập. Tuy nhiên, đó cũng là lời "nhắc nhở" Trung Quốc cần hành động nhiều hơn để kiềm chế nước láng giềng.
Vì vậy, khi được hỏi về quan điểm của Triều Tiên về việc nối lại đối thoại sau phát biểu của tỷ phú Trump, ông So cho biết: "Cuộc họp phụ thuộc vào lãnh đạo tối cao của chúng tôi".
Video: Triều Tiên lên tiếng thách thức Tổng thống Donald Trump
Hiện nay, khoảng 28.500 binh lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc để đề phòng nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên. Hai miền bán đảo vẫn đang trong tình trạng chia cắt kể từ cuộc chiến tranh từ năm 1950-1953.
Gần đây, Bình Nhưỡng liên tục tiến hành thử các vụ hạt nhân, bất chấp chỉ trích từ Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Mỹ và các nước đồng minh thực hiện lệnh trừng phạt mới với các vụ thử hạt nhân này.
Bình luận