• Zalo

Trẻ sơ sinh ngủ chung với mẹ: Nguy cơ rình rập hay chìa khóa để trẻ bú mẹ dài lâu?

Đời sốngThứ Hai, 11/12/2017 08:00:00 +07:00 Google News

Việc để trẻ sơ sinh ngủ chung giường khá phổ biến và nếu bạn là một người bận rộn vào ban ngày thì việc ngủ chung với con sẽ giúp mẹ có thêm thời gian dành cho bé.

Ngủ chung giường giúp trẻ bú mẹ lâu dài hơn

Theo các chuyên gia sự nuôi dưỡng và gần gũi trong đêm sẽ giúp tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa mẹ và con. Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng trẻ ngủ chung với mẹ có xu hướng bú mẹ nhiều hơn, ít làm gián đoạn giấc ngủ của mẹ hơn so với việc ngủ một mình. Các bà mẹ cho con ngủ chung giường cũng có xu hướng cho con bú trong thời gian dài hơn. Điều này được giải thích là do việc cho con bú khi nằm chung giường thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với việc thức dậy vào ban đêm để cho con bú.

Những đứa trẻ ngủ chung với mẹ cũng thường ngủ nhanh hơn và ít khóc hơn vào ban đêm. Việc cho con ngủ chung giường cũng cho phép bạn phản ứng nhanh hơn nếu bé ho hoặc khóc vào ban đêm.

Một số người tin rằng việc để trẻ sơ sinh nằm chung giường với bố mẹ cũng giúp con trở thành đứa trẻ độc lập và tự tin hơn. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này thường có lòng tự trọng cao hơn, khả năng kiềm chế sự căng thẳng tốt và thân thiện hơn so với những người ngủ một mình khi còn bé.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, việc bú mẹ hoàn toàn cũng góp phần ngăn chặn nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Khi cho con bú, người mẹ duy trì tư thế giúp mẹ quan sát con một cách dễ dàng hơn. Người mẹ cũng thường có xu hướng giữ con ở ngang bầu ngực mình với một cánh tay đặt giữa đầu bé và chiếc gối, phần chân của người mẹ thường co lên, tạo thành một vòng cung bảo vệ cho trẻ, ngăn không để người khác xoay mình đè vào đứa bé.

Mặc dù vậy việc ngủ chung giường với trẻ sơ sinh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Những đứa trẻ ngủ chung giường với mẹ có thể vào giấc ngủ sớm hơn và ít thức dậy hơn vào ban đêm, nhưng chúng lại gặp khó khăn trong việc đi ngủ nếu không may mẹ có việc đột xuất và bé phải ngủ với người thân khác hoặc người giữ trẻ.

Ngoài ra, việc ngủ chung với mẹ trong thời gian dài cũng khiến việc tách ra ngủ giường riêng sau này vất vả hơn.

Nếu cha hoặc mẹ hút thuốc lá mà ngủ chung cùng trẻ sơ sinh sẽ làm tăng cao nguy cơ đột tử. Hoặc trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá từ người khác cũng có nguy cơ đột tử cao hơn cho dù bé ngủ ở đâu.

Cha mẹ uống rượu ngủ chung với trẻ sơ sinh cũng rất nguy hiểm. Bởi khi đó bạn không thể kiểm soát được hành vi của mình, giảm độ nhạy cảm và cảnh giác và có thể vô tình đè lên em bé hoặc lật chăn chèn qua mặt bé gây ngạt thở.

Ngoài ra nếu cha mẹ béo phì ngủ chung với trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ cao, bởi họ khó có thể căn chỉnh được vị trí và khoảng cách với con phù hợp.

Bên cạnh đó, những trẻ sơ sinh uống sữa công thức cũng không nên ngủ chung giường với bố mẹ, bởi khi trẻ bú bình sẽ không có những dấu hiệu đáp ứng tương tự trong việc chăm sóc ban đêm như việc bú mẹ.

Video: Bú mẹ suốt ngày, bé 18 tháng tuổi vẫn chết đói

Những nguyên tắc giữ an toàn cho trẻ khi ngủ chung giường với mẹ

- Luôn đặt bé ở tư thế nằm ngửa, không để con nằm nghiêng hay nằm úp.

- Giữ cho đầu và mặt bé luôn thông thoáng và không bị che phủ.

- Không để trẻ hít phải khói thuốc lá trước và sau khi sinh ra.

- Không ngủ chung với trẻ nếu bố mẹ hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc đang trong tình trạng quá mệt mỏi.

- Sử dụng chăn riêng cho trẻ, không để con đắp chung chăn với bố mẹ.

- Không đặt con nằm giữa bố và mẹ.

- Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.

- Không nằm chung với trẻ ở ghế sofa bởi không gian chật hẹp trên ghế sẽ làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ.

N.Q
Bình luận
vtcnews.vn