Tuyển Việt Nam sẽ chạm trán các đối thủ gồm Malaysia, Myanmar, Singapore và Lào ở vòng bảng AFF Cup 2022. Đây có thể xem như bảng đấu tương đối thuận lợi cho thầy trò HLV Park Hang Seo. Xét trên cả cán cân đẳng cấp, lực lượng lẫn kinh nghiệm ở sân chơi Đông Nam Á, tuyển Việt Nam đều từ nhỉnh hơn đến vượt trội đối thủ.
So với bảng A với sự góp mặt của đương kim vô địch Thái Lan và đương kim á quân Indonesia, các đối thủ của tuyển Việt Nam ở bảng B đều không sánh bằng về thực lực.
Bóng đá Malaysia đang trải qua giai đoạn khó khăn. 4 năm trước, chính sách triệu tập cầu thủ nhập tịch và có gốc gác nước ngoài của Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) đổi lấy "quả ngọt" với ngôi á quân AFF Cup 2018.
Tuy nhiên, thất bại ở vòng loại World Cup 2022 (đứng thứ ba chung cuộc ở vòng loại hai) đã khiến FAM thay đổi quan điểm, không còn đặt trọng tâm vào những ngôi sao nhập tịch như Gulherme de Paula, Liridon Krasniqi, Mohamadou Sumareh.
Số lượng cầu thủ nhập tịch trên đội Malaysia giảm dần qua từng trận. Tại AFF Cup 2020, Malaysia thua tan nát trước Việt Nam và Indonesia, phải dừng bước ở vòng bảng.
Thành tích của đội trẻ kế cận đội tuyển của Malaysia cũng kém ấn tượng. U23 Malaysia bị loại ở vòng bảng U23 Đông Nam Á 2022 sau 2 trận thua U23 Lào. Đến SEA Games, U23 Malaysia cũng dừng bước tại bán kết sau trận thua U23 Việt Nam. Thành công của đội U19 Malaysia (vô địch Đông Nam Á) là tín hiệu tích cực hiếm hoi của bóng đá Malaysia.
Dưới thời cựu HLV Tan Cheng Hoe, Malaysia chưa bao giờ là trở ngại của Việt Nam. "Mãnh hổ" hòa 1, thua 5 trong 6 lần so tài với Việt Nam ở cấp độ ĐTQG tại AFF Cup 2018, 2020 và vòng loại World Cup 2022. Khi đạt phong độ cao nhất, Malaysia chỉ dừng ở mức gây khó khăn, chứ chưa thể chặn đứng bước tiến của tuyển Việt Nam.
Tương tự, Myanmar khó trở thành đối trọng của Việt Nam ở cấp độ ĐTQG, dù đội bóng này từng hòa thầy trò Park Hang Seo không bàn thắng tại AFF Cup 2018. Điểm mạnh của Myanmar là tinh thần cùng lối chơi máu lửa, song Aung Thu cùng đồng đội lại thiếu ổn định, cùng một giải vô địch quốc gia tầm cỡ để phát triển.
Singapore là đội tuyển duy nhất ở bảng B lọt vào bán kết AFF Cup 2020, nhưg đội bóng quốc đảo Sư tử cũng thiếu kinh nghiệm với dàn cầu thủ trẻ. Thất bại trước đội hình B của Thái Lan và Indonesia tại bán kết cho thấy Singapore chưa thể trở lại thời đỉnh cao, dù có lứa cầu thủ trẻ tương đối chất lượng.
So với các đối thủ, tuyển Việt Nam vẫn chiếm ưu thế nhờ bộ khung lực lượng được duy trì, chưa kể Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu và Đỗ Hùng Dũng đều đã trở lại.
HLV Park Hang Seo muốn "thay máu" đội tuyển để tạo ra làn gió mới, tránh bị đối thủ bắt bài. Đây là mục tiêu khó khăn bởi tìm ra nhân tố mới với chất lượng tương đương hoặc hơn nhóm cầu thủ cũ không phải vấn đề đơn giản.
Ông Park cùng học trò còn gần 4 tháng để xào xáo lực lượng và tính toán chiến lược, chuẩn bị cho mục tiêu đòi lại ngôi vương AFF Cup 2022. Tuyển Việt Nam sẽ đá giao hữu với Ấn Độ và Singapore ở loạt trận giao hữu tới đây tại tháng 9.
Lịch thi đấu tuyển Việt Nam
24/12: Lào vs Việt Nam
30/12: Việt Nam vs Malaysia
2/1: Singapore vs Việt Nam
5/1: Việt Nam vs Myanmar
Bình luận