• Zalo

Tranh cãi gay gắt quy định buộc thôi học 1 tuần vì tái phạm luật giao thông

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 11/03/2016 09:16:00 +07:00 Google News

Tranh cãi gay gắt xung quanh quy định buộc học sinh nghỉ học một tuần nếu tiếp tục vi phạm luật giao thông.

(VTC News) – Tranh cãi gay gắt xung quanh quy định buộc học sinh nghỉ học một tuần nếu tiếp tục vi phạm luật giao thông.

Ngày 8/3, Quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông mới được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành, trong đó có nội dung "những trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe", đã gặp phải những ý kiến trái chiều của phụ huynh và học sinh.
Nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt khi tái phạm luật giao thông có thể bị buộc thôi học 1 tuần
Nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt khi tái phạm luật giao thông có thể bị buộc thôi học 1 tuần 

Ngay lập tức, trên một số trang mạng, nhiều ý kiến cho rằng đó là “Luật quái gở Sở Giáo Dục”.Nhiều học sinh, phụ huynh còn cho rằng vi phạm giao thông thì xử phạt là nhiệm vụ của CSGT không liên quan đến sở GD - ĐT.

“Đề nghị giáo viên vi phạm giao thông nghỉ dạy 1 tháng”, một ý kiến dân mạng chia sẻ.

Bình luận về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) tỏ ra vô cùng bức xúc và bất ngờ trước chính những bình luận của phụ huynh. Bà Hương cho rằng nhiều phụ huynh đã hồ đô khi phát biểu thiếu thận trọng.

Ngay trong chương trình giáo dục mầm non, phần giáo dục ý thức an toàn giao thông cũng đã có và là mục quan trọng. Giáo dục phổ thông thì cấp nào cũng nói đến việc này.

“Ở đây, nếu các học sinh biết mà vẫn vi phạm thì đương nhiên phải có những hình thức phạt cho thích đáng. Không thể để các em vi phạm hết lần này đến lần khác được”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Thời gian tuổi thơ chính là độ tuổi học tập rèn luyện để trở thành một con người trưởng thành.

“Để học hỏi cần có những biện pháp giáo dục khác nhau. Đặc biệt khi đám trẻ nhận sự trả giá, chúng sẽ rút kinh nghiệm rất nhanh. Trong đó, có 2 loại trả giá. Một là các hình thức phạt và hai là những hậu quả do chính hành động của trẻ gây ra”, TS Hương nói.

Về việc vi phạm an toàn giao thông, nếu cho trẻ chịu đựng hình thức hậu quả do chính chúng gây ra thì có nhiều trường hợp chính là mạng sống của trẻ và người xung quanh.

Khi ấy, trẻ có khi cũng không còn cơ hội để rút kinh nghiệm nữa. Do vậy, những hình thức phạt mà Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra là hợp lý. Đây chính là những hình thức cảnh cáo răn đe để các em học sinh rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã đưa ra các hình thức phạt khác như chép phạt để tránh cho việc bị buộc thôi học 1 tuần. Tuy nhiên, thậm chí nhiều phụ huynh học sinh vi phạm luật giao thông và là tác nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục trẻ về nội dung này.

“Nếu đứa trẻ bị phạt ở dưới dạng khác, chắc chắn chúng không thể rút kinh nghiệm nổi khi trường quy định cấm vi phạm (trống đánh xuôi), gia đình lại tha hồ vi phạm (kèn thổi ngược)”, TS Hương phân tích.

Vì vậy, khi học sinh bị phạt buộc nghỉ học 1 tuần sẽ khiến các cha mẹ rất khổ sở và bối rối.

“Ai sẽ là người ở nhà canh chừng chúng? Đấy là câu hỏi mà các phụ huynh lo lắng chứ không phải vấn đề trẻ em vi phạm luật ATGT thế nào. Chính vì điều này, các phụ huynh cũng sẽ phải quan tâm hơn đến luật và tuân thủ luật hơn để làm gương cho con trẻ. Các phụ huynh cũng phải giáo dục con, răn đe con nhiều hơn”, TS Hương phân tích.

Vì vậy, khi Sở GD-ĐT Hà Nội ra quy định này, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các phụ huynh. Lý do đơn giản vì  ảnh hưởng đến chính họ.
Tuy nhiên, qua sự việc này, TS Hương cũng cho rằng trước khi phản đối, các phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ nội dung quy định.

“Đừng nhận xét kiểu giáo dục thì liên quan gì đến giao thông mà quy định? Đừng tỏ thái độ phản đối trước mặt con trẻ. Con sẽ học ngay được điều này và mai đến lớp hỗn với cô giáo. Đến lúc đó đừng trách các thầy cô”, TS Hương nói.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần xem lại bản thân có hay vi phạm luật giao thông hay không. Nếu có, các phụ huynh phải rút kinh nghiệm để không phải trả giá từ tính mạng của mình, con mình.

“Sử dụng ngôn từ lịch sự khi phản đối quy định bởi vì học sinh lên facebook bây giờ rất nhiều và sẽ học hỏi “tính lịch sự” đó của các bậc tiền bối rất nhanh”, bà Hương đưa ra lời khuyên.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn