Nội dung này được đề cập trong Tờ trình của Sở Xây dựng về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TP.HCM giai đoạn 2020-2024 sau khi lấy ý kiến nhiều sở ngành liên quan, đã gửi UBND TP.HCM ngày 12/8.
Theo đó, giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên mỗi m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.
Việc thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên thành phố. Hộ thoát nước đã đóng tiền dịch vụ thoát nước không phải trả phí bảo vệ môi trường.
Về phương thức thu, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của hộ dân thông qua hóa đơn.
Đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước Sawaco tiếp tục đóng phí bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ đối với nhóm này.
Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước...
So sánh mức giá thu dịch vụ thoát nước của Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Nội (đang đề xuất thu trong năm 2020 với mức 1.895-2.645/m3)..., Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng mức thu của thành phố tương đối thấp.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng; năm 2022 là 13.469 đồng; năm 2023 là 14.848 đồng; năm 2024 là 16.344 đồng. Số tiền này chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng.
Trước đó, từ ngày 15/11/2019, giá bán nước sạch Ở TP.HCM giai đoạn 2019-2022 tăng trung bình 5-7% mỗi năm, sau đề xuất của Sawaco.
Đơn vị này cho biết giá nước từ năm 2013 đến 2019 chưa được điều chỉnh khiến tình hình tài chính của Tổng Công ty bị ảnh hưởng khi phải đảm bảo, duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện "nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội".
Hiện, nhiệm vụ quản lý hệ thống thoát nước do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố (trực thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm, sau khi tổ chức lại 4 khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước thành phố.
Trong cuộc họp gần đây, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật cho biết, việc thoát nước, chống ngập ở thành phố đạt được một số hiệu quả do có nhiều dự án chống ngập được đầu tư, hoàn thành. Tổng cộng nguồn vốn chống ngập của thành phố giai đoạn 2016-2020 gần 26.000 tỷ đồng.
Quy hoạch thoát nước của TP.HCM trong tương lai (đến năm 2050) sẽ mở rộng diện tích lên gần 2.100 km2, tăng gấp 3 lần so với quy hoạch cũ với mục tiêu giảm ngập cho thành phố.
Việc mở rộng quy hoạch làm cơ sở thành phố thực hiện các dự án mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước; lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa, gồm hệ thống thoát nước chính, cống cấp 1, cấp 2 đảm bảo yêu cầu.
Mặt khác, quy hoạch mới cũng xét đến yếu tố dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún - điều mà những quy hoạch trước đây còn thiếu.
Bình luận