• Zalo

TP.HCM kiến nghị tháo gỡ vấn đề ở KĐT mới Thủ Thiêm, dự án chống ngập 10.000 tỷ

Chính trịThứ Bảy, 17/08/2024 17:38:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch TP.HCM kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề tồn đọng về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án chống ngập 10.000 tỷ...

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy thành phố phát triển hơn trong thời gian tới, khi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chiều 17/8, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị cho phép thành phố được rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề tồn đọng như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các vụ việc liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn (SCB), dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc tại TP.HCM. (Ảnh: Việt Dũng)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc tại TP.HCM. (Ảnh: Việt Dũng)

Ông Mãi nêu ví dụ, với vấn đề ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nếu tháo gỡ được thì đến năm 2030 sẽ cơ bản đầu tư hoàn thiện cơ bản hạ tầng. Các vụ việc của ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát nếu tháo gỡ được thì sẽ đưa hàng chục nghìn tỷ đồng đi vào nền kinh tế. Dự án chống ngập 10.000 tỷ đã hoàn thành hơn 90% nhưng vẫn đang gặp vướng, nếu có cách gỡ thì năm sau sẽ hoàn thành, tạo ra giá trị đầu tư lớn hơn.

Theo ông Mãi, những vấn đề tồn đọng này nếu được tháo gỡ sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn cho sự phát triển của TP.HCM.

Một kiến nghị nữa được Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra trong buổi làm việc là kiến nghị sửa đổi luật theo hướng “một luật sửa nhiều luật” để có thể sửa từ đây đến cuối năm, hoặc có kỳ họp chuyên đề để nghiên cứu việc này.

TP.HCM cũng kiến nghị Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương, đặc biệt là trong việc phối hợp giữa Trung ương và TP.HCM để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vụ việc.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Việt Dũng)

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Việt Dũng)

Chủ tịch TP.HCM cho rằng, việc phân cấp, phần quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện tạo thực tiễn cho từng địa phương; thiếu khuôn khổ thể chế để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn của vùng trong khi phân bổ nguồn lực ngân sách hạn chế và thiếu trọng tâm.

Bên cạnh đó, một số thể chế quản lý tạo ra sự chèn lấn vai trò giữa Trung ương và TP.HCM. Các cơ sở dữ liệu thông tin quản lý buộc phải tập trung đầu mối và theo những chuẩn thiết kế của Trung ương trong khi thành phố lại có những đặc thù và yêu cầu riêng...

Mặt khác, việc giới hạn trong khuôn khổ thể chế cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xin - cho các cơ chế, chính sách đặc thù.

Thành ủy TP.HCM cho rằng, từ thực tiễn thể chế của thành phố, cần có sự đổi mới mang tính đột phá nhằm khắc phục những di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong nền hành chính, xóa bỏ cơ sở pháp lý của cơ chế xin - cho.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, cho phép TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ là nơi thí điểm các cơ chế mới, đột phá, vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và khoa học công nghệ để TP.HCM là trung tâm kinh tế, là cực tăng trưởng đóng góp cho kinh tế - xã hội của cả nước.

Năm 2025, TP.HCM sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị. Tuy nhiên, qua triển khai, người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận, Nghị quyết 131 chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho thành phố.

Do đó, khi sơ kết 5 năm, TP.HCM kiến nghị cần một nghị quyết đủ mạnh hơn; về lâu dài, đề xuất Trung ương cho TP.HCM xem xét, xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị đặc biệt.

TP.HCM cũng kiến nghị cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ mọi nơi bằng việc xây dựng các cụm ngành kinh tế về dịch vụ, thương mại, đổi mới sáng tạo của các vùng. Phát triển đô thị và khu công nghiệp tại TP.HCM cần đặt trong bối cảnh vùng để có lợi thế cạnh tranh, đó là chất lượng nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và khả năng tiếp cận hạ tầng logistics chiến lược.

Bình luận
vtcnews.vn