• Zalo

Tổng Thư ký ASEAN tin tưởng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 26/06/2020 07:43:29 +07:00Google News
(VTC News) -

Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020.

Trong thông cáo báo chí về Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Ban Thư ký ASEAN cho biết, Hội nghị lần này được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa trong các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng và đưa ra kế hoạch phục hồi sau đại dịch.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò dẫn dắt của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020. Theo ông, Hà Nội đã thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể khu vực đối với đại dịch.

Tổng Thư ký ASEAN tin tưởng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam - 1

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

Theo Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, Hội nghị Cấp cao ASEAN dự kiến sẽ tái khẳng định sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi sau đại dịch liên quan đến sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác.

Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh: “Bất chấp đại dịch COVID-19, việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là một minh chứng cụ thể cho sự đoàn kết và lãnh đạo của ASEAN, thể hiện trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể trong khu vực.

Sự đoàn kết như vậy là rất cần thiết để đối phó với đại dịch. Chúng tôi hy vọng nỗ lực hợp tác lớn hơn trong việc chia sẻ thông tin và kiến thức không chỉ trong các lĩnh vực phát triển y tế mà cả các chính sách của mỗi quốc gia liên quan đến an ninh xã hội và sức khỏe do tác động to lớn của COVID-19 đối với cộng đồng''.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ bàn bạc về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng của ASEAN, thách thức phía trước và thông qua một số tài liệu chính liên quan đến việc phục hồi cuộc sống của quốc gia ASEAN sau đại dịch. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao lần này. 

Quản lý rủi ro sức khỏe cộng đồng và phục hồi nền kinh tế cho đến khi tìm thấy vaccine và phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao sẽ có trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao.

Một điểm nhấn khác là cuộc gặp của các Nhà lãnh đạo với các bên liên quan quan trọng của Cộng đồng ASEAN như thanh niên, nhóm doanh nghiệp cũng như các nghị sĩ có thể đóng góp đáng kể cho các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã thành lập “Quỹ ASEAN ứng phó với dịch COVID-19” và Việt Nam cũng đã khởi động các cuộc thảo luận về tầm nhìn ASEAN sau năm ASEAN 2025.

Điều này là rất quan trọng để ASEAN đạt được sự gắn kết và đáp ứng lớn hơn trong hành trình hội nhập khu vực, đồng thời thích nghi với những giai đoạn bình thường mới hiện tại và điều chỉnh các quyết sách quan trọng trong tương lai.

ASEAN được thành lập tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 8/8/1967. Năm thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã ký Tuyên bố ASEAN.

Kể từ đó, ASEAN đã mở rộng thành 10 quốc gia thành viên bao gồm Brunei Darussalam, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Hội nghị Cấp cao ASEAN là diễn đàn hoạch định chính sách cao nhất của ASEAN.

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN vào năm 1995 và lần đầu tiên Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 1998. Đây là lần thứ ba Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, lần thứ hai là vào năm 2010.

Hương Trà/VOV-Jakarta
Bình luận
vtcnews.vn