• Zalo

Tổng thống Putin và Nga thắng thế trong cuộc chiến ngoại giao với Phương Tây

Thế giới Thứ Sáu, 13/04/2018 10:33:00 +07:00Google News

Sau khi bị cáo buộc trực tiếp liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga trên lãnh thổ Anh, Nga gần như bị Mỹ và các đồng minh Châu Âu cô lập và dồn ép trong một cuộc chiến ngoại giao căng thẳng, tuy nhiên người Nga cho thấy họ đang chiếm lại ưu thế.

Vasily Krivokhizha, Giáo sư chính trị thuộc viện Hàn lâm Khoa học Nga nói với Polit.ru: "Cuộc chiến ngoại giao giữa Phương Tây và Nga khiến các chuyên gia chính trị và truyền thông thế giới nhận định về một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ xảy ra, tuy nhiên những gì Điện Kremlin làm được cho tới thời điểm này cho thấy Nga rõ ràng đang chiếm ưu thế”.

novichok-1

Các nhân viên điều tra tại hiện trường 2 cha con cựu điệp viên Nga bị đầu độc.

Phản ứng phù hợp

Theo ông Krivokhizha, chính quyền Tổng thống Putin phản ứng phù hợp và sử dụng các kênh ngoại giao hợp lý để phá vỡ thế cô lập do Mỹ và đồng minh tạo ra. Điện Kremlin mạnh mẽ đáp trả tất cả các lệnh trừng phạt ngoại giao mặc dù lường trước được những hậu quả khi phải một mình đối đầu.

Trong đó, Anh là nước thiệt hại lớn nhất khi Nga quyết định thu hồi giấy phép mở Lãnh sự quán Anh tại Saint Peterburg và chấm dứt hoạt động của Hội đồng Anh tại Nga.

Theo chuyên gia Nga, Hội đồng Anh đại diện cho Anh trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa, mang đến một hiệu quả lớn cho lợi ích quốc gia thông qua quyền lực mềm không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới. Ông nhận định, việc Nga chấm dứt hoạt động của Hội đồng Anh sẽ khiến Anh chịu thiệt thòi, đặc biệt là trong hoạt động tình báo của Anh tại Nga.

Video: Nga yêu cầu Anh đưa bằng chứng cha con cựu điệp viên bị đầu độc

Điện Kremlin cũng khéo léo chứng minh trên truyền thông quốc tế Nga vô can với sự vụ Skripal, khi yêu cầu Liên Hợp Quốc đứng ra điều tra trung lập, hay bằng mọi cách khiến Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW) vào cuộc, khiến Anh đuối lý vì không đưa ra được các bằng chứng xác thực.

Nga tận dụng mọi kênh ngoại giao để chủ trì hàng loạt hội nghị quốc tế, cũng như triệu tập các cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, lấy dư luận quốc tế để bảo vệ lẽ phải.

Đáng chú ý, Nga đưa OPCW vào cuộc dù vẫn biết tổ chức này không có thẩm quyền để áp đặt một cuộc điều tra quốc tế về một tội ác xảy ra ở một quốc gia có chủ quyền, mà việc điều tra chỉ thuộc thẩm quyền của quốc gia đó.

OPCW không phải là cơ quan điều tra và không có thẩm quyền ra lệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thông qua lời kêu gọi điều tra quốc tế vụ việc và danh sách 14 câu hỏi Nga gửi đến trước cuộc họp của hội đồng điều hành OPCW, Nga muốn nhắm vào tính minh bạch của OPCW và buộc chính những chuyên gia Anh-Pháp trong tổ chức phải lên tiếng xác minh về chất độc.

Kết quả

Ông Gary Aitkenhead, Giám đốc phòng thí nghiệm quân sự Porton Down, trái ngược với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh, lên tiếng xác nhận rằng chưa thể chứng minh chất độc trong vụ tấn công điệp viên Skripal có nguồn gốc từ Nga.

Mặc dù chính phủ Anh đưa ra quan điểm Porton Down không có trách nhiệm điều tra nguồn gốc quốc gia sản xuất chất độc, nhưng đối với Nga đây là bước ngoặt quan trọng khiến thế trận đảo chiều và Chính phủ Anh đuối lý trước dư luận quốc tế.

Việc Chính phủ Anh không đưa ra được bằng chứng cáo buộc Nga sau hơn 1 tháng điều tra làm dấy lên làn sóng thất vọng của người dân, họ yêu cầu Thủ tướng May phải cách chức Ngoại trưởng hoặc Ngoại trưởng Anh phải từ chức.

Giữa khủng hoảng, Nga nhận được sự ủng hộ của đồng minh, trong đó đặc biệt là Trung Quốc và Iran. Đây là hai quốc gia giúp Nga duy trì được thế cân bằng tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề khu vực thuộc Viện Mỹ và Canada Nana Gegelashvili nhận định: “Cáo buộc, gây hấn và áp dụng các đòn trừng phạt về ngoại giao, kinh tế, quân sự vốn là chiêu bài quen thuộc của Mỹ và Phương Tây, trường hợp Libya, Iraq hay Syria là điển hình.

Tuy nhiên, Nga không phải là Libya, Iraq hay Iran, Nga đi từ thế bị dồn ép đến hoá giải cuộc khủng hoảng Skripal, sức mạnh quân sự của Nga chỉ là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ và đồng minh phải nhượng bộ”.

Sự thắng thế của Matxcơva trong cuộc đối đầu ngoại giao và dần thoát khỏi khủng hoảng mang đậm dấu ấn của Putin, ông thể hiện mình là một nhà kỹ trị có nhiều kinh nghiệm đối phó với phương Tây.

Ngay từ khi khủng hoảng Skripal bắt đầu cho tới khi căng thẳng leo thang, Tổng thống Putin chưa một lần đưa ra phát ngôn chính thức, không một sự chỉ trích hay áp đặt. Ông chỉ đưa ra quan điểm trong các cuộc họp báo với các nhà lãnh đạo nước ngoài, như Quatar, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ khi được hỏi.

Sự bình tĩnh của ông Putin khiến Phương Tây bối rối, khi không biết Nga sẽ làm gì tiếp theo.

Phát ngôn hiếm hoi của của nhà lãnh đạo Nga là khi ông cho rằng không cần Anh lên tiếng xin lỗi nước Nga, chỉ cần sự công bằng được chứng minh và ổn định trong các quan hệ quốc tế.

Cho đến thời điểm này, có thể nói, thắng thế thuộc về ông Putin và nước Nga, bởi có tới 160 quốc gia trong Liên Hợp Quốc lên tiếng không chấp thuận khẳng định của Anh rằng Nga đứng sau vụ Salisbury và thúc giục London đưa ra các bằng chứng điều tra.

Dương Hà
Bình luận
vtcnews.vn