• Zalo

Tổng bí thư phải là ủy viên Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên

Thời sựThứ Ba, 22/08/2017 19:52:00 +07:00 Google News

Đây là một trong những nội dung quan trọng của tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý vừa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Trao đổi với báo chí chiều 22/8, một lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cho biết, bên cạnh các tiêu chuẩn chung, ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư phải đảm bảo đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành) hoặc trưởng ban các ban, bộ, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

Trường hợp ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chủ trì cấp Quân khu.

Đối với chức danh Tổng bí thư, phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực như uy tín cao trong trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị...

1

 Tổng bí thư phải là ủy viên Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn khác của Tổng bí thư là có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc; có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.

Tổng bí thư cũng phải là người đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban chấp hành trung ương quyết định).

Với chức danh Chủ tịch nước, phải là người có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước; quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công...

Chức danh Thủ tướng được quy định tiêu chuẩn cụ thể là có uy tín cao, hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp.

Thủ tướng cũng phải có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế - xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước...

Với chức danh Chủ tịch Quốc hội, yêu cầu phải là người có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...; có khả năng hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Video: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích về việc kỷ luật ông Đinh La Thăng

Đối với chức danh bộ trưởng, quy định nêu phải đảm bảo không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

Quy định nêu trên cũng đưa ra tiêu chuẩn cụ thể với từng chức danh như thường trực Ban bí thư, trưởng ban Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội...

Với chức danh bộ trưởng và tương đương, quy định nêu rõ tiêu chuẩn có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Bộ trưởng cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn không bị chi phối bởi lợi ích nhóm; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh…

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn